“Thương về xứ Huệ”, đừng bỏ qua những địa điểm thú vị này

08 Feb 0969756783 min read

“Thương về xứ Huệ”, đừng bỏ qua những địa điểm thú vị này

Hướng Dẫn Tour Du lịch Nam Định – Cát Bà Tốt Nhất 2021

Nằm ở dải đất hẹp của miền Trung Việt Nam, Thừa Thiên Huế là một trong ba vùng du lịch lớn của Tổ Quốc, là thành phố có bề dày văn hóa lâu đời, cảnh quan thiên nhiên đẹp và hữu tình đan xen quần thể di tích lịch sử được thế giới công nhận. Hãy cùng theo chân chúng tớ khám phá nhữngđịa điểm đẹp ở Huế nhé!
Tớ không phải là một người con đất Huế, cùng chưa bao giờ đặt chân đến Huế, nhưng nhắc đến Huế trong tớ lại trào dâng một cảm xúc vô cùng rõ rệt từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường với những trang sách về dòng sông Hương thơ mộng…Và để lưu những trải nghiệm sâu sắc cùng những thước phim khác lạ chúng tớ đã lên một lịch trình xa hơn, đặc biệt hơn để có những cảm nhận mới mẻ và rộng nhất về vùng đất cố đô này.

1. Rú Chá – Nàng công chúa ngủ trong rừng

Đường đi:Rừng cách trung tâm thành phố Huế chừng 15 km, chúng tớ men theo đường quốc lộ 49 rẽ trái qua đập Thảo Long.

Điểm đầu tiên chúng tớ đặt chân đến là rừng ngập mặn Rú Chá. Đứng ở trên đường lộ hướng về xã Hương Phong, bạn sẽ thấy rừng Rú Chá hiện lên với những cụm cây dính kết, đan xen nhau khoe mình bên khu đầm nhỏ.Chúng tớ đến Rú Chá vào đúng mùa thu nên vẻ đẹp của khu rừng ngập mặn này trở nên rõ nét và đúng vị hơn bao giờ hết.

Một góc rừng Rú Chá nhìn từ xa.

Rú Chá thay lá vào mùa thu.

Sở dĩ người dân đặt tên khu này là Rú Chá bởi có đến hơn 90% ở đây là cây chá. Chá mọc hoàn toàn tự nhiên, đan xen nhau tạo nên một hàng rào che chắn và bao bọc.Chính sự nguyên sinh này mà khu rừng Rú Chá được nhiều khách du lịch thích thú khi được tận mắt thăm quan những cảnh vật còn quyện mùi hoang sơ. Luồn lách sâu hơn dưới những tán lá là một không gian mát rượi pha trong gió đâu đó phảng phất vị mặn của biển.

Lối mòn dẫn vào sâu trong rừng.

Những thước hình chúng mình ghi phía xa.

Phá Tam Giang từ xa hiện lên vô cùng thơ mộng.

Từ đài quan sát nhìn xuống.

Theo lối mòn của con đường nhỏ chúng tớ vào giữa trung tâm rừng. Ở đây người dân xây một cái chòi khá cao để khách tham quan có thể ngắm tổng thể toàn bộ khu rừng và cảnh vật xung quanh.

2. Nét đẹp tự nhiên của biển Hải Dương

Báo Nam Định

Nối tiếp những thước phim Rú Chá, chúng tớ di chuyển về biển Hải Dương cách đó tầm 6 km để ngắm hoàng hôn. Đây là vùng biển còn rất hoang sơ, ít người đặt chân đến, chúng tớ gửi xe ở một khu đất trống ven đường, đi bộ khoảng 500 m trên con đường mòn dọc rừng thông là tới bờ biển.
Vẻ đẹp của biển Hải Dương được khắc họa rõ nét như 2 câu thơ trong bài Sóng của tác giả Xuân Quỳnh “Dữ dội và dịu êm / Ồn ào và lặng lẽ” . Đối lập với sự sung sức, niềm mãnh liệt của anh chàng sóng biển là cái yên ắng, vẻ mơ màng của cô gái không gian. Sự tương phản đó tạo nên một nét rất riêng của khu biển này.

Bầu trời bình yên điểm xuyết bởi những con sóng bạc đầu.

Trải dài dọc theo bãi cát là những “hàng rào đá” được kết lại bằng nhiều khối xi măng khổng lồ tạo nên một bộ áo giáp uy lực bảo về mặt đất liền. Nơi đây cũng trở thành con đường đá sống ảo vô cùng thích thú của những bạn trẻ đến đây khám phá như chúng tớ.

Chúng tớ lần lượt check-in trên “biển đá”.

3. Đan viện Thiên An

Địa chỉ: Đan Viện Thiên An nằm cách trung tâm thành phố Huế 10 km về phía Nam, nằm ở xã Thủy Bằng, Hương Thủy.

Mặc dù đã chọn cho mình một cung đường khác lạ hơn nhưng cái tạo nên linh hồn của Huế vẫn là văn hóa làng (chùa) và văn hóa cung đình (bác học). Do vậy ngày thứ 2 trong hành trình, địa điểm đầu tiên chúng mình đặt chân đến là Đan viện Thiên An.Đan viện ẩn mình sâu giữa đồi thông Thiên An, nhờ đó khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ và vô cùng trong lành. Du khách tham quan còn gọi nơi đây với cái tên yêu thương “Đà Lạt trên đất Huế”.

Có lẽ chỉ cần nghe đến cái tên cũng đủ làm nao lòng biết bao du khách, Thiên An có nghĩa là sự bình yên trời ban. Và đúng như cái tên đó cảnh vật ở đây vô cùng sâu lắng, thanh bình. Phía trung tâm Đan Viện là nhà thờ chính bên phải là nhà tĩnh tâm, bên trái là tháp chuông, xung quanh cây cối mọc tự nhiên đua nhau khoe sắc nở um tùm. Từ trên cao phóng mắt nhìn ra xung quanh bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi đồi nơi đây với những tán thông trải dài ngút tầm mắt.

Nhà tĩnh tâm và tháp chuông.

Phía đối diện tháp chuông có một mảng rừng lớn bị xém màu, theo người dân nơi đây kể một cách hài hước “Khu rừng này mới bị bà Hỏa ghé thăm nên mới để lại di tích như vậy”. Đứng trên một tảng đá lớn gần đó, cùng mảng rừng bả Hỏa để lại chúng mình có ngay những thước phim sống ảo vô cùng thú vị.

Tớ và background cánh rừng “cháy”.

Cũng như bao người đặt chân đến đây, Đan Viện không chỉ là chốn tâm linh mà còn là nơi chúng tớ cảm nhận được sự hòa quyện giữa con người cùng thiên nhiên. Đến Đan viện, mỗi đứa chúng tớ như trút bỏ được mọi phiền muộn của cuộc sống xô bồ và giữ lại một tâm hồn thanh thản bình yên.

4. Con đường Bích Họa

Địa chỉ:Con đường này thuộcđường Huyền Trân Công Chúa, phường Thủy Biều.Chúng tớ chạy xe máy đi hết đường Điện Biên Phủ, rồi rẽ phải chạy gần cuối đường Lê Ngô Cát thì rẽ phải tiếp, đi khoảng 400 m là tới đường Bích Họa.

Có rất nhiều địa điểm đẹp ở Huế và con đường bích họa là một trong những địa điểm đẹp mới nổi mà chúng tớ được biết. Những bức họa được vẽ lên một dãy tường dài khoảng hơn 1 km với nhiều chủ đề tranh khác nhau.Theo tớ tìm hiểu, trước đó đây là một bức tường thành bị bỏ hoang, sau này đã có hơn 100 họa sĩ trẻ Huế cùng nhiều họa sĩ trong và ngoài nước biến hóa nơi đây thành một bức tranh khổng lồ sinh động.

Kinh nghiệm du lịch Nam Định chưa đến 500 nghìn đồng được trăm tấm ảnh đẹp

Tớ chụp cùng “Cô gái Huế”.

Mỗi bức tranh là một câu chuyện sau đó.

Có hình cô gái với nét đẹp đặc trưng bên nón Huế, cũng có hình đứa trẻ sơ sinh giương đôi mắt trong sáng ngắm nhìn, còn cả những hình thù mà mỗi chúng tớ nhìn vào đều đưa ra một ý nghĩa khác nhau.Chúng tớ mãi miết đi dọc con đường mòn để ngắm từ hình vẽ đầu tiên đến bức tranh cuối cùng, và không quên check-in với chân dung cô gái Huế mà tớ ấn tượng nhất.

5. Làng hương Thủy Xuân

Địa chỉ:Làng hương Thủy Xuân vẫn nằm trên đường Huyền Trân Công Chúa – Môi ngôi làng nhỏ và bình yên dưới chân đồi Vọng Cảnh.

Người ta thường nói để hiểu rõ về nền văn hóa của một miền không cách nào tốt hơn là đến tận nơi xem, nghe và cùng họ trải nghiệm văn hóa đó. Ngay sau khi khám phá con đường Bích Họa chúng tớ tiếp tục ghé qua Làng hương Thủy Xuân.
Vừa mới đặt chân đến tất cả chúng tớ đều bị thu hút bởi sắc xanh, đỏ, vàng rực rỡ của những bó hương người dân nơi đây bày 2 bên đường.Phảng phất trong gió cũng là một mùi hương vô cùng dễ chịu. Nghe người dân kể lại trước đây hương chỉ có màu truyền thống là đỏ, nhưng để thu hút hơn khách du lịch, người dân dùng nhiều màu sắc khác nhau để nhuộm chân hương tạo nên những bó hoa đủ màu sắc níu chân bất kì vị khách nào khi ghé qua đây.

Những sắc màu rực rỡ của “Đóa hoa hương khổng lồ”.

Chúng tớ dừng chân ghé lại tại một nhà dân ven đường để chụp hình. Vừa xuống xe, dì Tuyết (chủ nhà, sau một hồi thăm quan chúng tớ hỏi được tên dì) vui vẻ mời chúng tớ vô chụp ảnh và thăm thú tự nhiên. Dì bảo “Có thể trong cuộc đời này dì với các con chỉ gặp nhau duy nhất một lần trong đời nên các con cứ chụp ảnh, thăm quan nhà dì tự nhiên, không phải ngại gì đâu”. Nghe xong những câu nói của dì, dường như bầu không khí giữa những người lạ lần đầu gặp mặt đều bị xua tan hết.

Tớ chụp tại dãy hương nhà dì Tuyết.

Khu du lịch sinh thái Núi Ngăm

Sau đó dì còn hướng dẫn tụi tớ làm hương, dì kể trước đây làm hương bằng tay thủ công hoàn toàn nên làm rất lâu, nhưng bây giờ có máy nên đỡ vất hơn. Có hai loại máy làm hương, một loại phải dùng chân đạp, một loại công nghiệp hơn chỉ cần cho bột vô là ra cây hương hoàn chỉnh.

Công đoạn nhào các loại bột.

Ở nhà dì vẫn dùng máy chân đạp, nên chúng tớ đã có một trải nghiệm làm hương thú vị và chân thực nhất. Từ khâu nhuộm màu chân hương, nhào bột, cho bột vào máy đến khi ra thành phẩm đều phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Có đến đây cảm nhận chúng tớ mới hiểu rõ hơn về nỗi vất vả cũng như niềm yêu nghề của những con người nơi đây.

Dì Tuyết bên chiếc máy làm hương.

Sau khi làm làm hương bằng máy, dì đem ra phía ngoài phơi.

Sau khi mua hương kèm những món quà lưu niệm nhỏ làm quà, chúng mình chia tay dì Tuyết với sự lưu luyến để tiếp tục cuộc hành trình, trong lòng mỗi đứa đều như vừa nhận được một món quà thật ý nghĩa chính là vẻ đẹp, là tình người của người dân nơi đây.

6. Huyền Không Sơn Thượng

Buổi chiều cuối cùng ở lại Huế chúng tớ chọn địa điểm dừng chân là chùa Huyền Không Sơn Thương, nơi được người dân gọi với cái tên mỹ miều “Ngôi chùa trong cổ tích”. Chúng tớ đã rất tò mò với cái tên gọi đó, nhưng khi tận mắt chứng kiến và cảm nhận mới thấy “Ngôi chùa trong cổ tích” này thực sự quá nên thơ và vô cùng hùng vĩ.
Chùa nằm ở núi Chằm xã Hương Hồ, Huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 17 km. Chúng tớ đi theo đường Cầu Tiền lên phía chùa Thiên Mụ, băng qua văn miếu, dọc theo con đường nhỏ ngược lên lưng chừng núi, chùa tọa ở đây với vẻ đẹp huyền ảo yên bình.

Một lối đường đất trong chùa.

Chùa thu gọn mình trong sâu những vách núi, xung quanh là rừng thông bạt ngàn với độ cao hơn 300 m so với mực nước biển. Chúng tớ đến chùa vào lúc trời bắt đầu xế chiều, khung cảnh hiện lên vô cùng bình yên với núi, rừng, cây, cối, khác xa nhịp sống nhanh và xô bồ nơi thành thị. Từ xa thấp thoáng là hình ảnh những sư thầy đang thanh tịnh ngồi thiền, bình lặng giữa một luồng thời gian như đang dừng lại.

Cảnh và vật đều vô cùng mang cảm giác thiêng liêng.

Cũng có một vài du khách từ phương xa đến thăm thú, chúng tớ ghé theo chân một sư thầy (sau khi trò chuyện, tớ được biết thầy là trụ trì một ngôi chùa ở thành phố Huế, thầy đến đây đưa hai sư cô từ Hà Nội đến thăm quan). Nghe thầy kể về những nét đẹp trong tâm linh phật giáo, về sự tích và những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, ai nấy trong chúng tớ đều cảm thấy tâm vô cùng an nhiên.Khuôn viên chùa vô cùng rộng và được trồng rất nhiều loại hoa rừng khác nhau, phía đối diện chính điện có một hồ sen lớn, mùa này sen không còn nhiều chỉ còn mặt nước hồ trong vắt và phẳng lặng.

Hoa lá đua nhau khoe sắc.

Với những vẻ đẹp tâm linh quý giá cùng khung cảnh nhuốm màu bồng lai tiên cảnh, thi thoảng nghe phảng phất phía xa tiếng chuông chùa ngân vang kết lại với nhịp thở nhẹ nhàng của rừng núi, tất cả chúng tớ đều như được tĩnh lại ở một giây phút nào đó: An lạc và thực sự bình yên. Nếu đã có những lúc bạn cảm thấy mệt mỏi với dòng chảy của cuộc sống, hãy một lần đến Huế ghé Huyền Không Sơn Thượng để được trở về với thiên nhiên – nơi trút lại mọi ưu phiền.

Lưu ý nhỏ khi khám phá những địa điểm đẹp ở Huế

Trong những điạ điểm ở trên đều khá xa thành phố, do vậy các bạn nên chuẩn bị trước đồ ăn, nước uống và đổ xăng đầy bình từ thành phố trước khi bắt đầu cuộc hành trình.

Bạn nên đem theo càng tối giản đồ càng tốt, để khi leo bộ và cảm nhận bạn sẽ thấy thoải mái nhất.

Bên cạnh vẻ đẹp sông Hương, tiếng chuông chùa Thiên Mụ cùng những công trình kiến trúc cung đình đậm truyền thống, Huế còn giấu trong mình rất nhiều địa điểm mới lạ và hấp dẫn. Chúc các bạn có một chuyến khám phá Huế vui vẻ và ý nghĩa!
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Chi
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal

Xe từ Nam Định đi Sapa

Xổ số miền Bắc