Những người Họ Trương nổi danh trong lịch sử Việt Nam

NHỮNG NGƯỜI HỌ TRƯƠNG NỔI DANH
 TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM
( Tham luận tại Hội thảo về Tế tửu Trương Công Giai và truyền thống khoa bảng họ Trương ở Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu-Quốc tử giám, Hà Nội)

 
Họ Trương trong lịch sử Việt Nam
Theo thống kê bước đầu, hiện có gần 300 tộc Trương tại Việt Nam, phân bố ở gần 50 tỉnh thành trong toàn quốc. Tuy không phải là dòng họ có số lượng người đông như một số họ khác (Nguyễn, Trần, Lê, Lý, Hoàng…) nhưng người họ Trương đã xuất hiện khá sớm từ buổi đầu dựng nước. Và trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc, những người họ Trương luôn kề vai sát cánh cùng bách gia trăm họ trong sự nghiệp xây dựng và  bảo vệ Tổ quốc, tôn vinh bản sắc văn hóa Việt bằng tâm huyết trí tuệ của mình.
Về cơ bản, sự hình thành và phát triển của các tộc, họ Trương ở Việt Nam gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc, gắn liền với quá trình tụ cư, hỗn cư và hợp cư của cộng đồng cư dân của quốc gia dân tộc Việt Nam mà trung tâm cư trú lớn và lâu đời là miền Bắc và miền Trung Việt Nam.
Theo các nguồn tài liệu dân gian, thần phả tại một số đình, đền, miếu thì vai trò của những người họ Trương đã được đề cập và tôn vinh như các đấng Thân Mẫu của các kiệt tướng thời đại các Vua Hùng. Các tư liệu truyền thuyết, dã sử đã nhắc đến sự có mặt của những người họ Trương từ thời Hùng Vương như những cư dân bản địa tại khu vực của văn minh sông Hồng, một trong những cái nôi của văn minh Việt cổ. Đồng thời, quá trình hòa huyết với các bộ tộc gốc Bách Việt trước giai đoạn ảnh hưởng của văn hóa Hán trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tạo nên sự phát triển tất yếu của những người họ Trương cùng các tộc họ khác ở Việt Nam.
Lịch sử hình thành và phát triển của các tộc Trương cũng đồng thời gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ quốc gia của cha ông ta từ hàng ngàn năm nay. Trong quá trình đó, có một số tộc Trương di cư từ miền Bắc vào miền Trung và ngược lại. Có không ít tộc Trương tại miền Bắc lại có gốc tích từ các tỉnh miền Trung hiện nay.
Sự hình thành các tộc Trương ở khu vực Trung Bộ đều diễn ra đồng thời với quá trình hình thành các trung tâm cư trú quan trọng của người Việt từ phía Nam đèo Ngang đến Bắc đèo Hải Vân và tiếp đó là xứ Quảng với sự hiện diện của các tộc Trương hầu hết có gốc tích từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh được vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) và chúa Nguyễn (thế kỷ XVI) đưa vào để khai khẩn vùng đất rộng lớn từ phía nam Đèo Hải Vân đến tận phía bắc Đèo Cù Mông.
Tiếp đó, khi địa vực quốc gia tiếp tục được mở rộng về phương Nam, trong làn sóng di cư chung của nhiều tộc họ là thần dân của nhà Nguyễn, có các tộc Trương hình thành và định cư tại những vùng đất mới từ các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa đến các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ và các khu vực biên giới với Cao Miên như huyện Tân Biên, tỉnh An Giang.
Về thành phần dân tộc, ở Việt Nam, ngoài các tộc Trương là người Kinh là chủ yếu, có tộc Trương là người  Sán Dìu (quê gốc từ Đáp Cầu thiên di đến Quý Sơn Lục Ngạn rồi về định cư ở Yên Thế – Bắc Giang), một số tôc Trương là người Mường, tiêu biểu là các tộc Trương tại Bá Thước (huyện Cẩm Thủy) và Vân Đình (huyện Thạch Thành), Thanh Hóa hoặc Quỳ Hợp (Nghệ An). Đồng thời, có không ít tộc Trương là người từ vùng Luỡng Quảng thuộc Bách Việt sang Việt Nam từ đầu thời Lê sơ (như các tộc Trương tại Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An, tộc Trương ở Trà Châu, Thanh Liêm, Hà Nam), hoặc một số tộc Trương từ Phúc Kiến di cư sang Việt Nam sau khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh ở Trung Quốc (tộc Trương tại Hội An, họ Trương Quang tại làng Phụng Tây – Nay là thôn Phước Mỹ, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; các tộc Trương gốc Hoa tại Tp. Hồ Chí Minh…) đã và đang là công dân Việt Nam từ nhiều đời. Bên cạnh đó, còn có một số tộc Trương gốc Chăm tiêu biểu là tộc Trương ở Mai Dịch, Hà Nội đã định cư và Việt hóa từ vài trăm năm nay ngay giữa đất kinh kỳ và được hưởng không ít những đặc ân của triều đình phong kiến.

 Những người họ Trương nổi danh trong lịch sử dựng nước và giữ nước
Từ hàng nghìn năm nay, do những đặc điểm lịch sử – văn hóa, các thế hệ bà con, anh em họ Trương ở Việt Nam, dù có hay không mối quan hệ huyết thống trực hệ, dù chưa tìm ra nguồn gốc xuất xứ ban đầu, nhưng đã kề vai sát cánh cùng bách gia trăm họ trong toàn quốc để chung sức, chung tay trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của quốc gia dân tộc.
Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ quốc gia dân tộc, có không ít người họ Trương đã có những đóng góp to lớn được lưu danh muôn thủa.
Ngay trong thời kỳ Bắc thuộc, vào thế kỷ VI, các danh tướng Trương Hống – Trương Hát đã có công lớn giúp Triệu Việt Vương đánh quân xâm lược phương Bắc. Theo một số tư liệu lịch sử, tương truyền hai Ngài cũng là tác giả của bài thơ “Thần” (Nam quốc sơn hà) mà sau này được Lý Thường Kiệt đã sử dụng như một vũ khí tinh thần lợi hại trong sự nghiệp kháng chiến chống Tống và được coi là một tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Vì những chiến công hiển hách đó, cho đến nay, cả hai Ngài đã được thờ là Thành hoàng, dưới tên Đức Thánh Tam Giang, tại 372 làng trải dài 2 bên bờ sông Cầu (còn gọi là sông Như Nguyệt) từ thượng nguồn Đu Đuổm (Thái Nguyên) đến hạ lưu Lục Đầu (giáp giới Quế Võ – Bắc Ninh và Chí Linh – Hải Dương), trong đó có những di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng như Đình Diềm, Bắc Ninh.
Tiếp đó, vào thế kỷ VII có Thái vương Trương Nữu (737 – 791) người trang Du Lễ (nay thuộc thôn Du Lễ, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) là tướng khởi nghĩa có công trong cuộc nổi dậy của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chống lại ách đô hộ hà khắc của nhà Đường dưới thời Bắc thuộc.
Lịch sử Việt Nam thời phong kiến độc lập tự chủ đã dành những trang chói lọi để chép về sự nghiệp và công tích của không ít danh nhân họ Trương như các vị :
Trương Hán Siêu một danh sĩ nổi tiếng đời Trần, tính tình cương nghị, học vấn uyên thâm là tác giả của bài phú “Bạch Đằng giang” nổi tiếng. Ông tham dự cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai và thứ ba. Năm 1308, ông được vua Trần Anh Tông bổ Hàn lâm Học sĩ. Đời Trần Minh Tông giữ chức Hành khiển. Sang đời Trần Hiến Tông năm 1339 làm Môn hạ Hữu ty Lang trung, đến đời Trần Dụ Tông năm 1342 đổi sang Tả ty Lang trung kiêm Kinh lược sứ ở Lạng Giang, rồi thăng Tả Gián nghị Đại phu năm 1345 và năm 1351 làm Tham tri Chính sự lúc chết được tặng tước Thái bảo, Thái phó và được thờ ở Văn Miếu.
– Ngài Trương Công Tào là vị quan Bộ Lễ và cùng với danh thần Nguyễn Trãi giúp vua mở ra triều đại nhà Lê sáng chói.
– Con cháu của ngài về sau có nhiều người thành danh như Tiến sĩ Thượng thư Trương Công Giai (1665 – 1728) nổi tiếng là “Quan Tiết Bất Đáo” – một vị quan thanh liêm dưới hai triều Lê – Trịnh.
 – Lưỡng Bộ Thượng thư Trương Công Hy (1727 – 1800) đời thứ 7 dòng tộc Trương Công tại Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Là thầy dạy của Ấu chúa Nguyễn Phúc Dương, thi đỗ Tứ trường dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát, đến triều Tây Sơn Trương Công Hy lần lượt giữ các chức vụ Tri phủ Điện Bàn, Trấn thủ Quảng Nam, Lại bộ Thượng thư…
– Danh thần, Phụ chính Đại thần, Văn Minh điện Đại học sĩ Trương Đăng Quế (1793 – 1865) người Quảng Ngãi (gốc Hà Tĩnh), là một quan đại thần, đồng thời là một danh sĩ, đóng vai trò quan trọng trong thời các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức.

Trong cuộc đời 44 năm làm quan (1819 – 1863), Trương Đăng Quế thể hiện lòng trung thành, công minh, liêm chính của mình bằng cách hết lòng với công việc triều chính. Một trong những đóng góp đặc sắc nhất chính là hoàn thành việc đạc điền và lập điền bạ trên vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng. Đây chính là một đóng góp to lớn vào công việc hoàn thiện lãnh thổ Quốc gia và phục hưng đất nước, đặc biệt với vùng đất phương Nam.

 Đồng thời, cũng vào thời nhà Nguyễn, còn có một vị người họ Trương khác có công lao lớn với việc mở cõi ở vùng đất Nam Bộ (đặc biệt là Sài Gòn – Gia Định ) là tướng Trương Phúc Phan.
Những người họ Trương nổi danh trong lịch sử khoa bảng Việt Nam

Trong lịch sử khoa cử Việt Nam thời phong kiến, họ Trương Việt Nam tự hào có khá nhiều người đỗ đạt. Theo thống kê bước đầu, danh sách này bao gồm:

1. Trương Hanh
Trương Hanh là người làng Mạnh Tân (Yên Tân), huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, Hải Dương (nay là xã Gia Lương, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), đỗ Đệ nhất giáp kỳ thi Thái học sinh năm Kiến Trung thứ 8 (Nhâm Thìn, 1232), đời vua Trần Thái Tông làm Hàn lâm Học sĩ (là chủ quan của Hàn lâm viện có trình độ học vấn uyên thâm, chuyên nắm việc chế cáo, sử sách, văn hàn, làm cố vấn cho vua Trần Thái Tông trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông) rồi thăng đến chức Thượng thư (Bộ trưởng  lúc bấy giờ). Ngài là người đỗ Đại khoa (Tiến sĩ) sớm nhất của vùng Gia Lộc thời đó và cũng là người họ Trương đỗ đạt khoa cử sớm nhất được ghi chép lại trong sử sách. Khi cụ mất, người dân lập đền miếu thờ tại quê nhà và coi cụ là Thành hoàng làng.

2. Trương Xán (1228 – ?)
Trương Xán người xã Hoành Bồ, châu Bố Chính (nay thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), đỗ Trại Trạng nguyên khoa Bính Thìn, niên hiệu Nguyên Phong thứ 6 (1256, Tống Bảo Hựu năm thứ 4) đời vua Trần Thái Tông – Quảng Bình khoa lục ghi ông đỗ năm 29 tuổi. Trương Xán làm quan đến chức Thị lang, hàm Tự khanh, Hàn lâm Học sĩ. Khi cụ tạ thế, một số làng chài đã lập đền thờ và suy tôn như một vị Phúc thần chuyên cứu giúp những người đi biển.

3. Trương Phóng (húy Trương Tích Đãng)
Người huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, đỗ Thám hoa khoa thi Thái học sinh năm Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long 12 (1304) đời Trần Anh Tông.
– Sách Tam khôi bị lục, quyển 8b dẫn Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo, nói ở xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Lộc có Nguyễn Phóng đỗ Thám hoa trong niên hiệu Hưng Long (1293 – 1314) đời Trần Anh Tông. Như vậy Trương Phóng và Nguyễn Phóng mà Lưu Công Đạo nói đến có lẽ chỉ là một người.

  4.Trương Đỗ
Nguyên quán làng Phù Đới, huyện Đồng Lại (nay là thôn Phù Tải, Thanh Giang, Thanh Miện, Hải Dương) đỗ Tiến sĩ và làm Ngự sử Đại phu vào nửa sau thế kỷ XIV.

 5. Trương Đức Quang
Người xã Ngọc Xuyết, huyện Hoằng Hóa – Nay thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, 25 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502) đời Lê Hiến Tông. Ông từng được cử đi sứ sang nhà Minh. Làm quan đến Đề hình Giám sát Ngự sử.

6. Trương Phu Duyệt (1476 – ?)
Người xã Kim Đâu, huyện Thanh Miện (thời Nguyễn là xã Kim Trang thuộc tổng Thọ Trương. Xã này gồm hai thôn Kim Đông và Kim Tây) nay thuộc xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
30 tuổi Trương Phu Duyệt đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Ất Sửu niện hiệu Đoan Khánh (1505) đời Lê Uy Mục. Được cử đi sứ sang nhà Minh. Làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lệnh cho ông thảo chiếu nhường ngôi, ông quắc mắt mắng Đăng Dung. Vì vậy, bị giáng xuống Hình bộ Tả Thị lang, sau điều đi giữ chức Thừa tuyên sứ đạo An Bang.

7. Trương Hữu Phỉ
Người xã Ngọc Cục, huyện Đường An – Nay là thôn Ngọc Cục, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Tân Sửu niên hiệu Quảng Hòa 1 (1541) đời Mạc Phúc Hải. Làm quan đến chức Thượng thư, hàm Thiếu bảo, tước An Quận công.

8. Trương Hữu Văn
Người xã Phao Sơn, huyện Chí Linh – Nay là thôn Phao Sơn, xã Cổ Thành, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi niên hiệu Quang Bảo 5 (1559) đời Mạc Phúc Nguyên. Làm quan đến chức Hiến sát sứ.

9. Trương Lỗ (1532 – ?)
Người xã Bối Trì, huyện Thanh Lâm – Nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
31 tuổi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Nhâm Tuất niên hiệu Quang Bảo 9 (1562) đời Mạc Phúc Nguyên. Làm quan đến Đông các Đại học sĩ, Tả Thị lang.

10. Trương Quang Tiền (1615 – 1677) Còn có tên là Trương Luận Đạo.
Người xã Kim Hoạch, huyện Thụy Nguyên – Nay thuộc xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
26 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Dương Hòa 6 (1640) đời Lê Thần Tông. Làm quan đến chức Đông các Hiệu thư.
– Thọ 63 tuổi (Liệt huyện đăng khoa bị khảo).

11. Trương Quang Trạch (1641 – ?)
Người xã Đông Lỗ, huyện Thạch Hà – Nay thuộc xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
30 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670) đời Lê Huyền Tông. Làm quan đến chức Đề hình Giám sát Ngự sử, được bổ chức Đốc trấn Cao Bằng. Sau bị bãi chức.

12. Trương Hữu Hiệu (1632 – 1696)
Người xã Thiên Linh, huyện Ngọc Sơn – Nay thuộc thôn Yên Cảnh, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ông nội của Trương Hữu Miễn.
45 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Trị 1 (1676) đời Lê Hy Tông. Làm quan đến chức Giám sát Ngự sử.
– Thọ 65 tuổi (Liệt huyện đăng khoa bị khảo).

13. Trương Công  (1665 – 1728)
Trương Công sau đổi là Trương Công Giai. Người sở Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm – Nay thuộc xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. 21 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Hòa năm thứ 6 (1685) đời Lê Hy Tông. Ông giữ các chức quan như Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Công kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, tước Lỵ Quận công. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu bảo.
Gia phả dòng họ cho biết thêm các chức vụ của Trương Công: Bồi tụng Hình bộ Thượng thư, Phụng quản Tả Tiệp cơ, Nhập thị Kinh diên, Quyền Lễ bộ sự, Tri Nội điện Thị nội Văn chức, Thự Trung thư giám, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu. Thọ 64 tuổi (Trương thế gia ký tục biên).

14. Trương Minh Lượng (1636 – ?)
Người xã Nguyễn Xá, huyện Duy Tiên – Nay là Nguyễn Thôn, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
35 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa 21 (1700) đời Lê Hy Tông. Làm quan đến chức Tự khanh. Tác phẩm hiện còn 6 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục.

15. Trương Hữu Thiệu (1687 – ?)
Người xã Thiện Linh, huyện Ngọc Sơn – Nay là thôn Yên Cảnh, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa (là cháu Trương Hữu Hiệu).
Trước đỗ khoa Sĩ vọng, 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh 14 (1718) đời Lê Dụ Tông. Làm quan đến chức Giám sát.

16. Trương Thì (1701 – ?)
Người xã Nhân Mục Cựu, huyện Thanh Trì – Nay thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
21 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái 2 (1721) đời Lê Dụ Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu thảo.

17. Trương Nguyễn Điều (1685 – ?)
Người xã Xuân Canh, huyện Đông Ngàn – Nay là thôn Xuân Canh, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sau dời tới xã Hàn Lạc, huyện Gia Lâm – Nay là thôn Hàn Lạc, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Trước đỗ khoa Sĩ vọng, 49 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu niên hiệu Long Đức 2 (1733) đời Lê Thuần Tông. Bị bãi, sau lại được phục chức. Làm quan đến chức Đề hình Giám sát Ngự sử.

18. Trương Đình Tuyên (1713 – ?)
Người phường Công Bộ, huyện Quảng Đức – Nay thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.
27 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu 5 (1739) đời Lê Ý Tông.
Làm quan đến chức Công bộ Hữu Thị lang (Liệt huyện đăng khoa bị khảo).

19. Trương Đăng Quỹ (1733 – ?)
Người xã Thanh Nê, huyện Chân Định – Nay thuộc xã An Bồi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Thi Hương đỗ Giải nguyên, 34 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Cảnh Hưng 27 (1766) đời Lê Hiển Tông.
 Lúc đầu ông làm quan đến chức Thừa chính sứ. Sau sự biến quân Tam phủ tôn Trịnh Khải, ông được bổ chức Bồi tụng (1784). Chiêu Thống lên ngôi, ông được trao chức Đồng bình chương sự. Đầu năm 1788, Chiêu Thống bỏ Thăng Long chạy sang Kinh Bắc, ông là một trong bảy văn thần đi theo. Đến sông Nguyệt Đức (tức sông Cầu), Chiêu Thống chỉ đưa theo mấy tùy tùng, cho ông và những người khác trở về quê nhà tính chuyện lâu dài. Ông trở về Thăng Long, có đến dự buổi gặp mặt của Nguyễn Huệ với các quan văn võ của triều Lê.
 Đến cuối tháng 3 – 1788, Chiêu Thống chạy xuống Sơn Nam có dừng lại nghỉ ở nhà ông tại huyện Chân Định. Lần ấy Hoàng Viết Tuyển bị quân Tây Sơn bắt giết, Chiêu Thống chạy ra biển thoát vào Thanh Hóa (12 – 1788). Khi Chiêu Thống trở về Thăng Long, biết ông đến dự cuộc gặp của Nguyễn Huệ bèn giáng chức ông xuống Tư huấn (Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Ông thuộc số cận thần theo Chiêu Thống chạy sang nhà Thanh, về sau không rõ.

20. Trương Quốc Dụng (1797 – 1864)
Người xã Phong Phú, huyện Thạch Hà – Nay thuộc xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (là cha của Trương Quốc Quán).
Sinh năm Đinh Tỵ, Cử nhân khoa Ất Dậu (1825). Năm 33 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Mệnh 10 (1829).
Lúc đầu được bổ chức Hàn lâm viện Biên tu, thăng đến Lang trung Bộ Hình. Phạm lỗi phải điều đi hiệu lực. Sau được phục chức Tư vụ, điều phái đi làm việc quân ở quân thứ Phiên An. Sau thăng Chủ sự rồi được điều về kinh làm Viên Ngoại lang Bộ Hộ, điều bổ Án sát sứ Quảng Ngãi, chuyển sang làm Án sát Hưng Yên, rồi được điều về Kinh sung chức Kinh diên Giảng quan, kiêm quản Khâm Thiên giám, rồi kiêm Đô sát viện ấn triện. Sau thăng Hình bộ Thượng thư, kiêm Quốc sử quán Tổng tài, rồi được điều đi làm Hải Yên Thống đốc Quân vụ Đại thần ở quân thứ Hải Yên. Khi quân phiến loạn Tạ Văn Phụng vây đánh Quảng Yên (1864), Trương Quốc Dụng cùng Tán lý Văn Đức Khuê, Tán dương Trần Huy San đều tử trận. Sau được truy hàm Đông các Đại học sĩ.
Trương Quốc Dụng tự Dĩ Hành, tinh thông lý số và lịch pháp, lúc nhàn rỗi không mấy khi tay rời quyển sách. Trong những năm quản Khâm Thiên giám, nhờ có ông truyền dạy cho học trò nên phép làm lịch mới khỏi bị thất truyền.

 21. Trương Trung Thông (1872 – ?)
Người xã Đan Chế huyện Thạch Hà – Nay thuộc xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh năm Nhâm Thân.
Cử nhân khoa Đinh Dậu (1897). 39 tuổi đỗ Phó bảng khoa Canh Tuất niên hiệu Duy Tân 4 (1910). Thừa biện bộ Công, hàm Tu soạn.
22. Trương Đăng Trinh (1812 – ?)

Người thôn Mỹ Khê Tây, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi – Nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Cháu của Trương Đăng Quế. Sinh năm Nhâm Thân.
Cử nhân khoa Tân Sửu (1841). Năm 31 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Dần niên hiệu Thiệu Trị 2 (1842). Làm quan đến chức Hàn lâm viện Biên tu.

23. Trương Ý (1819 – ?)
Người phường Thịnh Hào, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội – Nay là ngõ Thịnh Hào, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội.
Ông sinh năm Kỷ Mão, Cử nhân khoa Nhâm Dần (1842). Năm 29 tuổi đỗ Phó bảng khoa Đinh Mùi niên hiệu Thiệu Trị 7 (1847). Làm quan chức Chưởng ấn, bị cách, phục chức Cung phụng. Sau cáo quan về nghỉ.
Ngoài các vị khoa bảng nổi danh nói trên, các tư liệu còn cho biết vào các thời Lê – Trịnh và Nguyễn: có 8 vị Tạo sĩ (Tiến sĩ ngạch Võ)  là những người họ Trương.
Những năm sau này, có không ít người họ Trương là những nhà khoa học xuất sắc như Trương Vĩnh Ký, Trương Tửu… và khá nhiều người đã và đang đạt được học hàm, học vị cao trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa nghệ thuật.

Những người họ Trương nổi danh trong sự nghiệp kháng chiến bảo vệ Tổ quốc
Vừa là danh sỹ, Trương Hán Siêu cũng đồng thời là danh tướng, trực tiếp cầm quân đánh trận tại nhiều nơi, thậm chí vào đến tận Quảng Ngãi.
Đến thế kỷ XV, thời Lê sơ, có cha con Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi – Trương Chiến là 2 trong 18 chiến tướng của “Hội thề Lũng Nhai” (năm 1416) và đóng vai trò nòng cốt của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (năm 1418), tham gia chỉ huy trận quyết chiến lược Chi Lăng đánh quân Minh xâm lược giải phóng đất nước (năm 1428). Tiếp đó, ngài Trương Công Lang được Lê Lợi phong tướng vào bình Chiêm năm 1493.
 Thời các chúa Nguyễn Hoàng, ngài Trương Trung Hiếu gốc Hà Trung, Thanh Hóa vào Quảng Bình đảm nhận chức Quản lãnh quân cơ.
  Trong cuộc cách mạng nông dân Tây Sơn vĩ đại, đã có không ít võ sư nổi danh là người họ Trương tham gia huấn luyện, tư vấn về binh pháp cho các lãnh tụ chủ chốt như Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ… Đó là các vị: Trương Văn Hiến là thầy dạy võ và cố vấn binh thư cho ba anh em nhà Tây Sơn, Trương Văn Đa, Đại Đô đốc Trương Văn Luân; Đại Đô đốc Trương Đăng Đồ, Chưởng Viện Cơ mật Trương Mỹ Ngọc…

 Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp ở nửa sau của thế kỷ XIX, có không ít danh nhân, danh tướng là người họ Trương, như:
– Bình Tây Đại nguyên soái Trương Công Định (1820 – 1864), lãnh tụ khởi nghĩa kháng Pháp,
– Đại thần Danh sĩ, Thượng thư, Tổng tài Quốc sử quán Trương Quốc Dụng (1797 – 1864).
Trương Gia Hội (1822 – 1877) nhân sĩ, đỗ cùng khóa với Nguyễn Thông, Phan Văn Trị. Ông từng qua các chức vụ Huấn đạo Tri phủ, Giám sát Ngự sử, Lang trung Bộ Binh… Khi Pháp chiếm Nam Kỳ ông cùng Nguyễn Thông “Tị địa” (tản cư) lo việc hiệp thương với Pháp. Mặt khác ông chuẩn bị lực lượng kháng chiến ở miền Bắc. Rồi đi nhận nhiệm vụ Tuần phủ Thuận Khánh và mất tại đây ngày 10-11-1877. Các con ông là Trương Gia TôngTrương Gia Mô sau này đều là những chí sĩ cứu nước.

– Một trong nhưng tấm gương sáng ngời trong buổi đầu của sự nghiệp kháng chiến chống Pháp là Trương Văn Thám tức Hoàng Hoa Thám (1858 – 1913), người họ Trương gốc từ Hưng Yên, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế nổi tiếng.

Từ đầu thế kỷ XX đến những thập kỷ sau, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, không ít con em người họ Trương đã sớm giác ngộ Cách mạng và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc mà đỉnh cao là Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 Có không ít người họ Trương ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã trở thành những chiến sĩ cộng sản kiên cường trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931.

 Có không ít Đảng viên Đảng Cộng sản là người họ Trương đảm nhận các chức vụ chủ chốt tại cơ quan Đảng và Chính quyền các cấp từ giai đoạn Tiền khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám như các ông Trương Đỗ Uông (tức Nguyễn Văn Lộc), nguyên Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, họ Trương ở Tảo Khê, Ứng Hòa, Hà Nội; Trương Đỗ Hòe, nguyên Chủ tịch UBHC Kháng chiến tỉnh Ninh Bình…

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có hàng vạn gia đình họ Trương trong toàn quốc đã không tiếc máu xương, tiền của tham gia vào sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc. Trong số này, đã có không ít những người được phong tặng, và truy tặng những danh hiệu cao quý: các Liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Dũng sĩ diệt Mỹ… không ít người đã trở thành những tấm gương kiên trung, bất khuất đấu tranh trong các nhà tù của quân thù.

Trong thời kỳ hiện tại, có khá nhiều người họ Trương đã và đang nắm giữ những trọng trách trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước như các vị: Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị; Chủ tịch nước, Trương Vĩnh Trọng – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trương Quang Được – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Trương Mỹ Hoa – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Trương Đỗ Huông (tức Nguyễn Văn Lộc) – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Chính phủ; Trương Hòa Bình – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Trương Thị Mai – Uỷ viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Trương Đình Tuyển – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại…

Bên cạnh đó, có không ít  người họ Trương đã và đang nắm giữ những cương vị chủ chốt ở các Bộ, Ngành Trung ương và bộ máy Đảng, Chính quyền của nhiều tỉnh, thành phố.
Đồng thời, có khá nhiều con em họ Trương đã và đang là những doanh nhân xuất sắc hoặc là những người nổi tiếng thành đạt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao.

Có thể rút ra một điểm chung là: người họ Trương dù ở đâu, làm nghề gì cũng bộc lộ những tính cách Trương rất rõ nét là: tự trọng, trách nhiệm, cương trực, giàu trí sáng tạo, dám nghĩ dám làm và đặc biệt: hết lòng vì lẽ phải, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, lại là những người lúc nào cũng đau đáu nhớ đến ân đức tổ tiên, thành tâm cung kính nhớ về cội nguồn, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ cho việc bảo tồn và phát huy những di sản của văn hóa dòng tộc, một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc.

Đẩy mạnh các hoạt động nhằm tiếp tục phát hiện, kết nối, tôn vinh những công trạng của những người họ Trương tại Việt Nam

Sau những kết quả rất đáng khích lệ của một số anh em trong Hội đồng họ Trương Việt Nam lâm thời, tháng 4 năm 2013, Đại hội đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ nhất đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 1200 đại biểu từ nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Đại hội này là kết quả của sự chắp nối của những người họ Trương từ mọi miền đất nước. Đồng thời khẳng định nhu cầu tiếp tục phát hiện, kết nối những người họ Trương ở Việt Nam.

Họ Trương, một thành viên của cộng đồng dân tộc Việt Nam, có một lịch sử lâu đời gắn liền với lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến nay, đã từng góp sức cùng các tộc khác khai hoang lập ấp, mở mang đất nước, góp phần vào việc duy trì nòi giống, bảo tồn và phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc. Tìm hiểu về họ Trương ở Việt Nam không thể tách rời với lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc.

Những năm trước đây, không ít các tộc họ đã xúc tiến việc tìm hiểu, xác minh cội nguồn trên cơ sở những thông tin ít ỏi, không đầy đủ, được truyền lưu từ các thế hệ tiền bối. Cũng đã có không ít những kết quả từ những nỗ lực kết nối này.

 Tuy nhiên, do những đặc điểm lịch sử của quá trình hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc gắn liền với quá trình tụ cư, hỗn cư và hợp cư của các thành phần cư dân trong lịch sử, đặc biệt là trong quá trình mở mang, khai thác các vùng đất ở phía Nam từ các thế kỷ XVI, XVII đến nay, cũng như nhiều tộc họ khác ở Việt Nam, địa bàn cư trú của các nhánh họ Trương cũng có những biến đổi không nhỏ.         
    
Chính vì thế, việc chắp nối, xác định các mối quan hệ tộc phả của các tộc họ, chi họ là không đơn giản, cần có sự trao đổi, nối kết thông tin, cần có sự đối chiếu các tư liệu lịch sử, đặc biệt là các bản gia phả Hán Nôm. Đồng thời, việc nghiên cứu phát hiện từ những nguồn tư liệu lịch sử khác về thân thế và sự nghiệp của các nhà khoa bảng, đặc biệt là những tư liệu minh khắc tại các bia Tiến sĩ tại Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám có vai trò hết sức quan yếu do đây là những chứng cứ sinh động nhất, khách quan nhất. Chính nhờ sự giúp đỡ vô tư của Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám mà gia đình và dòng họ Trương tại Thanh Liêm Hà Nam đã tìm được những tư liệu quý về Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai còn lưu trên bia Tiến sĩ tại Văn Miếu.

Tìm hiểu về họ Trương ở Việt Nam không thể không dựa trên những kết quả nghiên cứu của các lĩnh vực khác nhau như văn học, sử học, văn hóa dân gian, di sản văn hóa… Chính vì vậy, chúng tôi cảm ơn và đánh giá cao việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp tổ chức cuộc hội thảo này.

Cuối cùng, thay mặt Hội đồng họ Trương Việt Nam và toàn thể bà con, anh em họ Trương ở Việt Nam cảm ơn tất cả các học giả, các cán bộ quản lý và nghiệp vụ của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tham gia vào hoạt động rất có ý nghĩa này nhằm góp phần tôn vinh vị thế của Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và các vị danh nhân tiêu biểu khác của họ Trương  ở Việt Nam./.

Tác giả bài viết:  PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Trương VN.

Source: https://mix166.vn
Category: Showbiz

Xổ số miền Bắc