Một số vấn đề lý luận, thực tiễn thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật

(LLCT) – Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng là cơ chế chính trị – pháp lý bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, là phương thức xây dựng pháp luật của Nhà nước, được Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện qua hai giai đoạn “nhà nước hóa”, “cụ thể hóa”, bằng các chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật, các hình thức văn bản pháp luật. Yêu cầu đối với thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thể chế hóa; phát huy tính độc lập, sáng tạo của cơ quan nhà nước trong thể chế hóa; đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật trong đội ngũ đảng viên.

Đảng đề ra đường lối, chủ trương, đồng thời lãnh đạo cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể chế hóa thành pháp luật là nội dung cốt lõi trong phương thức lãnh đạo Nhà nước của Đảng thời kỳ đổi mới. Đó cũng là phương thức đặt ra nhiều vấn đề cho công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Dưới góc độ của khoa học pháp lý, có một số vấn đề đáng chú ý sau:

[external_link_head]

1. Về khái niệm thể chế hóa         

Thuật ngữ “thể chế hóa” được sử dụng lần đầu trong Văn kiện Đại hội V của Đảng. Báo cáo Chính trị tại Đại hội đã khẳng định: Cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý đã được thể chế hóa trong Hiến pháp…”(1).Đến Đại hội VI, thuật ngữ “thể chế hóa” được sử dụng khái quát hơn, thể hiện quan điểm mới của Đảng về pháp luật thời kỳ đổi mới: “Pháp luật là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân phải được thực hiện thống nhất trong cả nước. Tuân theo pháp luật là chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng”(2). Quan điểm mới của Đảng về pháp luật tiếp tục được khẳng định qua các Đại hội Đảng. Đại hội XII đã nhấn mạnh: “Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”(3). Thuật ngữ “thể chế hóa” còn được sử dụng nhiều trong các văn kiện Đảng, gắn với các quan điểm, chủ trương lớn, mới của Đảng về phát triển xã hội, Nhà nước, về công tác cán bộ và phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong khi đó, giáo trình của các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật, các từ điển luật học, ngôn ngữ học lại rất ít và hầu như không đề cập đến thuật ngữ này. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên) chỉ giải thích thuật ngữ “thể chế”, “là những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội, buộc mọi người phải tuân theo (nói tổng quát)”(4). Thực ra, khái niệm thể chế có nghĩa rộng hơn, không chỉ có thể chế nhà nước mà còn có thể chế xã hội, và không phải bất kỳ quy định pháp luật nào cũng tạo lập thể chế. Thể chế nhà nước là loại thể chế mà việc xác lập chỉ thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước cao nhất ở Trung ương, địa phương. Về nội dung, thể chế là những quy định luật lệ xác lập về mặt tổ chức, tức là những quy định xác lập các thiết chế pháp luật, tổ chức các loại, các lĩnh vực hoạt động nhà nước, hoạt động xã hội, bảo đảm tính hữu dụng và hiệu quả. Thể chế như vậy không bất biến nhưng là bộ phận ổn định nhất, có hiệu lực pháp lý cao của hệ thống pháp luật.

Quan niệm về thể chế nêu trên là cơ sở tiếp cận khái niệm thể chế hóa trên những phương diện chủ yếu sau:

– Thể chế hóa là phương thức xây dựng pháp luật cổ xưa nhất, có “sức sống” lâu bền, được các nhà nước từ cổ đại đến hiện đại áp dụng. Chính từ phương thức này mà các hình thức “tập quán pháp”, “tiền lệ pháp”  ra đời.

– Với nghĩa là phương thức xây dựng pháp luật, thể chế hóa được thực hiện theo những hình thức khác nhau, trong đó hình thức được áp dụng phổ biến gồm:

Hình thức trực tiếp, là việc nhà nước thừa nhận những tập quán, quy tắc đạo đức xã hội, các quyết định cá biệt của cơ quan hành chính, các án lệ và thể hiện chúng dưới những hình thức pháp luật. Việc thể chế hóa các điều ước quốc tế mà nhà nước ký kết hoặc công nhận được thực hiện bằng văn bản “nội luật hóa”,  hoặc được thực hiện trực tiếp bằng một tuyên bố chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thể hiện trong một văn  bản pháp luật cụ thể.

Hình thức gián tiếp:Hình thức này được thực hiện bằng việc nhà nước thể chế hóa một tổ chức, hoặc thể chế hóa một số nhiệm vụ thuộc chức năng của tổ chức. Với sự thể chế hóa đó, các văn bản do tổ chức ban hành hoặc các văn bản thực hiện các nhiệm vụ được thể chế hóa của tổ chức đều có giá trị pháp lý, có tính ràng buộc, tính bắt buộc thi hành một cách phổ biến.

Hình thức thể chế hóa gián tiếp cũng được nhiều nhà nước trong lịch sử áp dụng. Vào nửa cuối thế kỷ XVI “nước Anh về thực chất là Nhà nước Cơ đốc giáo… Nhà nước và nhà thờ hoàn toàn hòa làm một và không thể bị chia xẻ”(5). Năm 1571, Nghị viện Anh đã thông qua 39 điều khoản là tín điều của nhà thờ Anh, và do đó, “việc không thừa nhận ba mươi chín điều khoản không còn là tội báng bổ thần thánh nữa, nhưng thay vào đó, được nâng lên thành tội quốc sự”(6).

Ở Việt Nam, hình thức thể chế hóa gián tiếp được áp dụng là việc Nhà nước bằng Hiến pháp, luật (Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn…) để ghi nhận một số nhiệm vụ của tổ chức chính trị – xã hội là những “nhiệm vụ nhà nước”, như với Mặt trận là nhiệm vụ xây dựng bộ máy chính quyền, giám sát hoạt động của cơ quan, công chức nhà nước, phản biện xã hội đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước… Trong khuôn khổ thực hiện những nhiệm vụ đó, các văn bản do tổ chức chính trị – xã hội ban hành, chủ yếu là do cơ quan lãnh đạo trung ương của tổ chức ban hành có giá trị pháp lý.

Hình thức thể chế hóa gián tiếp còn có thể được áp dụng trong trường hợp nhà nước thừa nhận quyền tự quản của một cộng đồng lãnh thổ, với sự bảo trợ của nhà nước. Các văn bản của cộng đồng tự quản này có giá trị pháp lý, song chỉ trong phạm vi lãnh thổ tự quản.

Hình thức hỗn hợp:  Ở Việt Nam, hình thức này được áp dụng trong trường hợp các cơ quan lãnh đạo đảng, lãnh đạo trung ương, các tổ chức chính trị – xã hội được thể chế hóa phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành pháp luật để ra văn bản liên tịch có giá trị pháp lý; hoặc có thể trong trường hợp thực hiện nhất thể hóa, bằng việc hợp nhất cơ quan lãnh đạo đảng với cơ quan nhà nước theo những tiêu chí nhất định. Hiện nay, đây là xu hướng mới trong đổi mới tổ chức bộ máy đảng. Đại hội XII xác định: “Nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng và nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ”(7).Như thế, theo xu hướng trên, hình thức hỗn hợp trong thế chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng sẽ rất linh hoạt, được sử dụng phổ biến.

2. Những đặc điểm của thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật

Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật không đơn thuần chỉ là phương thức xây dựng pháp luật của Nhà nước. Điều đó được thể hiện qua những đặc điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng là cơ chế bảo đảm mang tính chính trị – pháp lý, bảo đảm cho Đảng xác lập và thực hiện được sự lãnh đạo của mình đối với Nhà nước và xã hội.

[external_link offset=1]

Với tính cách là cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, đó là:

– Thống nhất ý chí của Đảng với ý chí xã hội mà Nhà nước đại diện.

– Thống nhất giữa tính khoa học, thuyết phục của đường lối, chủ trương của Đảng với tính pháp lý, sự bảo đảm thi hành bởi quyền lực nhà nước và bằng toàn bộ hoạt động của bộ máy công quyền;

– Cụ thể hóa những vấn đề có tính quy luật, định hướng, mục tiêu, quan điểm, những vấn đề chung về phát triển Nhà nước, phát triển xã hội trong đường lối, chủ trương của Đảng thành các quy tắc xử sự pháp luật điều chỉnh hành vi, hoạt động cụ thể của cá nhân, tổ chức. Bằng sự cụ thể hóa đó, thể chế hóa bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được thực hiện chính xác, kịp thời, thống nhất trong toàn quốc, với mọi cá nhân, tổ chức;

– Pháp luật có hai chức năng cơ bản – chức năng điều chỉnh và chức năng đánh giá. Với chức năng đánh giá, pháp luật là tiêu chuẩn khách quan để phán xét một hành vi, một hoạt động của cá nhân, tổ chức là cần thiết hay không cần thiết, là hợp lý hay không hợp lý, là đúng hay sai. Vì lẽ ấy, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng cung cấp cho Đảng những tiêu chí khách quan đánh giá chất lượng lãnh đạo, chất lượng tổ chức đảng, đảng viên; cũng giúp cho Đảng kịp thời hoàn thiện đường lối, chủ trương của mình từ kết quả hoạt động thể chế hóa.

Những vai trò trên của thể chế hóa còn cho thấy: Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng giúp phân biệt rõ ràng sự lãnh đạo của Đảng với quản lý của Nhà nước.

Thứ hai, việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng được thực hiện qua hai giai đoạn có quan hệ chặt chẽ với nhau, gồm giai đoạn “nhà nước hóa” và giai đoạn “cụ thể hóa”. Ở giai đoạn “nhà nước hóa”, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định những nội dung của đường lối, chủ trương trong các văn kiện của Đảng phải được ghi nhận trong kế hoạch, chương trình xây dựng pháp luật hằng năm, nhiệm kỳ; ở giai đoạn “cụ thể hóa” những nội dung đó được thể chế hóa thành các điều khoản trong các hình thức văn bản pháp luật cụ thể.

Thứ ba, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng được thực hiện theo hai cấp – cấp trung ương là Quốc hội, Chính phủ; cấp địa phương là chính quyền cấp tỉnh, gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Mô hình thể chế hóa theo hai cấp được thể hiện như sau (Xem hình).

Thứ tư,thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng được thể hiện trong các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, lập thành trật tự thứ bậc hiệu lực nghiêm ngặt và thống nhất với nhau, tùy theo mức độ quan trọng của đường lối, chủ trương được thể chế hóa. Thực tế hiện nay, theo cấp độ hiệu lực văn bản thể chế hóa gồm:

Hiến pháp – luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, thể chế hóa đường lối cách mạng chung, những chủ trương lớn trong Cương lĩnh của Đảng. Lời nói đầu của Hiến pháp năm 2013 xác định rõ nhiệm vụ của Hiến pháp là “thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH”;

Các luật của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị quyết, nghị định của Chính phủ. Những văn bản này thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong phát triển các lĩnh vực của đời sống nhà nước, xã hội, hội nhập.

Các văn bản pháp luật của chính quyền địa phương cấp tỉnh, thể chế hóa chủ trương phát triển kinh tế – xã hội địa phương trong các nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.

Từ những đặc điểm của thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật được phân tích ở trên khái quát lại là: “Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật là hoạt động mang tính chính trị – pháp lý, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương, địa phương cấp tỉnh thực hiện qua hai giai đoạn nhà nước hóa và cụ thể hóa, thể hiện trong chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật, bằng các hình thức văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao và thống nhất với nhau, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, xây dựng được một hệ thống pháp luật thể hiện thống nhất ý chí của Đảng và nhân dân, có tính khoa học và thực tiễn, hiệu lực và hiệu quả”.

3. Yêu cầu đối với thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng

Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng đặt ra yêu cầu cả đối với sự lãnh đạo của Đảng, cả với Nhà nước, trước hết là đối với Quốc hội, Chính phủ với những yêu cầu cụ thể sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình thể chế hóa của Nhà nước.

Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định chất lượng thể chế hóa của Nhà nước, bảo đảm hệ thống pháp luật thể chế hóa được đầy đủ, chính xác, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm chất lượng, hiệu lực của hệ thống pháp luật. Với ý nghĩa đó, sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình thể chế hóa của Nhà nước không chỉ dừng lại ở việc Đảng cho ý kiến chỉ đạo đối với các dự án, dự thảo văn bản pháp luật quan trọng (Hiến pháp, luật), mà phải xử lý đồng bộ nhiều vấn đề, đáng chú ý là các vấn đề sau:

(1) Cơ sở chính trị, mục tiêu và nội dung chính trị của các dự án, dự thảo văn bản pháp luật thể chế hóa là đường lối, chủ trương của Đảng. Vì lẽ ấy, sự lãnh đạo của Đảng đối với thể chế hóa của Nhà nước phải trên cơ sở bảo đảm đồng thời tính đúng đắn và tính phù hợp của đường lối, chủ trương. Đường lối, chủ trương đúng song không phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội, truyền thống lịch sử, với mong muốn và tâm lý xã hội; với thực trạng và yêu cầu quản lý từng lĩnh vực xã hội của quản lý nhà nước, trình độ và năng lực thực tế của đội ngũ công chức; với yêu cầu của thời đại, hội nhập… thì cũng rất khó thực hiện, cho dù đã được thể chế hóa. Thực tế cho thấy có những chủ trương của Đảng trong Chiến lược cải cách tư pháp (Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị khóa IX), như chủ trương tập trung công tác thi hành án vào Bộ Tư pháp cho đến nay vẫn không thực hiện được, không thể chế hóa được. Vì lẽ ấy, để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII đã chủ trương: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng… Nghị quyết phải thiết thực, ngắn gọn, khả thi; phải tính đến cân đối các nguồn lực và điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả… Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, dứt điểm việc cụ thể hóa, thể chế hóa, tổ chức thực hiện nghị quyết”(8).

(2) Khắc phục tình trạng thực hiện trực tiếp đường lối, chủ trương của Đảng mà không qua thể chế hóa, hoặc khoán trắng, hoặc áp đặt cơ quan nhà nước trong thể chế hóa, không quan tâm chỉ đạo, kiểm tra cụ thể. Từ mô hình thể chế hóa theo hai cấp được trình bày ở trên có thể thấy rõ: Nếu các Tỉnh ủy, Thành ủy khi ra nghị quyết để thực hiện nghị quyết của Trung ương chỉ chú ý đến đặc điểm địa phương mà không chú ý đến văn bản thể chế hóa của cơ quan nhà nước trung ương, trong khi chính quyền địa phương cấp tỉnh lại chỉ chú ý thể chế hóa nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy thì rất dễ dẫn đến nguy cơ phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dẫn đến tình trạng “phép vua thua lệ làng”. Vì vậy, để cơ chế thể chế hóa theo hai cấp vận hành đúng đắn, thông suốt, đòi hỏi Đảng cần có quy định cụ thể về tính hợp pháp của các nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, thường xuyên kiểm tra, xác định trách nhiệm của cấp ủy trong việc ra các nghị quyết sai trái đồng thời quy định cụ thể cơ chế xử lý các nghị quyết ấy.

(3) Do đường lối, chủ trương được trình bày trong các nghị quyết của Đảng không được xác định rõ ràng về hiệu lực như các văn bản pháp luật, cũng không được xác định rõ về giá trị thay thế, chuyển tiếp, đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình thể chế hóa của Nhà nước phải “bù lấp” khoảng trống ấy, nghĩa là:

– Xác định rõ, chính xác đường lối, chủ trương trong các nghị quyết của Đảng cần phải được thể chế hóa.

– Xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương hướng, những nhiệm vụ căn bản trong các đường lối, chủ trương của Đảng cần phải được thể chế hóa; những yêu cầu cụ thể trong thể chế hóa.

– Lãnh đạo cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát, đánh giá tổng thể cả hệ thống, từng bộ phận pháp luật liên quan để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch, chương trình xây dựng pháp luật thể chế hóa.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình thể chế hóa của Nhà nước những chủ trương lớn được đề ra tại Đại hội XII, mới đây là chủ trương được đề ra tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, về xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đến năm 2020, 2030, về tiếp tục đổi mới hệ thống thể chế chính trị, đòi hỏi Đảng cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 theo Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị khóa IX, từ đó tạo cơ sở chính trị, pháp lý để Quốc hội, Chính phủ xây dựng kế hoạch, chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và cả nhiệm kỳ.

[external_link offset=2]

Thứ hai,phát huy tính độc lập, sáng tạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể chế hóa.

Yêu cầu trên đòi hỏi:

– Khắc phục triệt để tình trạng “chép lại” nghị quyết của Đảng trong văn bản thể chế hóa, tình trạng áp đặt của cấp ủy, nhất là đối với những vấn đề có nội dung pháp lý chuyên sâu và kỹ thuật văn bản;

– Quy định cụ thể các tiêu chí thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản pháp luật về tính phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, mà hiện nay Luật Ban hành văn bản pháp luật chỉ quy định chung;

– Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức soạn thảo, tham gia soạn thảo các văn bản thể chế hóa trong việc bảo đảm thể chế hóa kịp thời, chính xác đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thứ ba,đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đội ngũ đảng viên, nhất là đảng viên trong các cơ quan lãnh đạo đảng, trong các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thể chế hóa, tham gia thể chế hóa. Trong điều kiện Nhà nước pháp quyền, một đảng cầm quyền, và với đặc thù của đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật là đảng viên, đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng cần tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:

– Gắn chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc đấu tranh khắc phục triệt để căn bệnh “đảng quyền”, cậy thế đảng cầm quyền mà coi thường chính quyền, đoàn thể, bất chấp pháp luật. Do vậy, việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong đội ngũ đảng viên phải hướng trọng tâm vào việc xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật; đảng viên, người đứng đầu cấp ủy phải có trình độ nhận thức, thái độ, kỹ năng thực thi pháp luật, trực tiếp là các pháp luật thể chế hóa thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức mình.

– Cần có sự đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác thực trạng ý thức, trình độ pháp luật của đội ngũ đảng viên trong các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trách nhiệm thể chế hóa, từ đó làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp, thiết thực.

– Tiến hành tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 32/CT-TW ngày 0969756783 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đảng cần sớm ban hành nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ đảng viên trong điều kiện một đảng cầm quyền và nhà nước pháp quyền.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 11-2017

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, t.1, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1982, tr.110.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr.120.

(3), (7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.210, 203, 216.

(4) Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên: Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 1995, tr.900.

(5), (6) C.Mác – Ph.Ăng ghen: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.869-870.

PGS, TS Lê Văn Hòe

ThS Lê Thị Diệu Hoa

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh [external_footer]

Xổ số miền Bắc