Không gian nghệ thuật của Truyện Kiều

Không gian nghệ thuật là mô hình nghệ thuật về cái thế giới mà con người đang sống, đang cảm thấy vị trí, số phận của mình ở trong tác phẩm nghệ thuật. Mô hình không gian bao giờ cũng là một thể thống nhất bị phân giới thành cặp đối lập như nơi cao quý và nơi ô trọc, quê mình và quê người, gần gủi và xa cách, bên trong và bên ngoài…mà con người buộc phải trải qua đường ranh giới của chúng để thể hiện mình. Không gian nghệ thuật gắn liền với quan niệm về con người và góp phần biểu hiện cho quan niệm ấy.

            Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tiểu thuyết lưu lạc, kể về một cuộc đời ba chìm bảy nổi, từ nơi cao quý sa vào nơi ô trọc và vật lộn, trăn trở đề giải thoát và trở về với không gian ban đầu. Đặc điểm của tiểu thuyết lưu lạc, cũng như của tiểu thuyết phiêu lưu nói chung là nhân vật phải trải qua liên tục nhiều không gian xa lạ. Sau mỗi biến cố, nhân vật lại bị ném vào một không gian mới đầy xa lạ, nhiều hiểm hoạ. Trong mười lăm năm lưu lạc giang hồ Kiều đã rời bỏ quê hương Bắc Kinh, tỉnh Hà Bắc, theo Mã Giám Sinh về lầu xanh ở Lâm Tri, tỉnh Sơn Đông. Sau khi được Thúc Sinh cứu, bị lũ Ưng Khuyển bắt về nhà Hoạn Thư ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Trốn khỏi nhà Hoạn Thư, Kiều rơi vào nhà họ Bạc và bị bán về Châu Thai, tỉnh Triết Giang. Sau khi Từ Hải chết, Kiều tự tử ở sông Tiền Đường và trôi dạt về quận Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến, tại đây nàng may mắn gặp lại Kim Trọng và gia đình theo chàng tới nơi trị nhậm. Quả là một không gian lưu lạc nghìn dặm! Tuy nhiên, bảng liệt kê các không gian địa lý không đặc trưng cho không gian nghệ thuật của truyện. Đó chỉ mới là cái nền khách quan bề ngoài tạo nên cái không gian lưu lạc mênh mông, mịt mù của tiểu thuyết. Cũng xin nói thêm, đó là không gian Trung Quốc xa lạ và xa xôi.

[external_link_head]

Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của sự sống con người, gắn liền với ý niệm về giá trị và sự cảm nhận về giới hạn giá trị của con người. Không gian nghệ thuật có thể xem là một “không quyển” tinh thần bao bọc cảm thức con người, là một hiện tượng nội cảm, giá trị, chứ không phải là hiện tượng địa lý và vật lý. Không gian địa lý, vật lý xung quanh chỉ là yếu tố mang không gian giá trị của con người.

Không gian trước lưu lạc bao giờ cũng là một không gian bình ổn, vững chãi, tượng trưng cho giá trị chuẩn mực. Không gian trong Truyện Kiều cũng vậy:

“Êm đềm trướng rủ màn che

Tường đông ong bướm đi về mặc ai”

            Nhưng đó cũng là không gian cấm cung, giam hãm mà Kiều sẽ phải thoát để ra đi theo tiếng gọi của hạnh phúc. Vì thế Truyện Kiều đồng thời cũng là tiểu thuyết giải thoát. Giải thoát và lưu lạc, hai tính chất của cuộc đời Kiều.

Không gian lưu lạc của Kiều bắt đầu từ sau giấc mơ đầu tiên gặp Đạm Tiên:

“Một mình lưỡng lự canh chày

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh

Hoa trôi bèo dạt đã đành

Biết duyên mình biết phận mình thế thôi”

            Không gian lưu lạc là không gian mà mọi mối liên hệ của con người đã bị đứt tung, con người không còn nơi bấu víu, trở nên lênh đênh, vô định, trôi dạt, lơ lửng. Nguyễn Du đã láy đi láy lại cái hình ảnh “mặt nước cánh bèo”, “nước trôi hoa rụng”, “chiếc bách sóng đào”:

– “Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”

– “Để con bèo nổi mây chìm vì ai”

– “Lỡ làng chút phận thuyền quyên

Bể sâu sóng cả có tuyền được vay?”

– “Bể trần chìm nổi thuyền quyên”

– “… chiếc bách sóng đào,

Nổi chìm cũng mặc lúc nào rủi may”

– “Phận bèo bao quản nước sa,

Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh”

– “Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,

Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân”

– “… chiếc bách giữa dòng,

E dè sóng gió hãi hùng cỏ hoa”

– “Chân trời mặt bể lênh đênh

Nắm xương biết gửi tử sinh chốn nào”

– “Mênh mông nào biết bể trời nơi nao”

– Hoa trôi nước chảy xuôi dòng,

Xót thân chìm nổi đau lòng hợp tan”

            Dù Kiều trôi dạt nơi nào, không gian “cánh bèo mặt nước” vẫn đi theo như số phận của nàng. “Hoa trôi bèo dạt” là một mẫu gốc (nguyên hình) được kết đọng trong tâm hồn người phương Đông bởi lặp đi lặp lại vô vàn trường hợp con người bị bứt khỏi gia đình, quê hương, nguồn cội. Nhưng mặt khác với không gian này người đọc lại cảm thấy hết sức thân quen, gần gũi, bởi đó là cảm thức về một không gian xã hội thù địch với sự sống của con người. Không ai có thể sống yên ổn trong không gian đó. Đây đúng là cảm nhận về không gian, xuất hiện trong tâm tình nhân vật, nhưng chính cái cảm nhận này đã in dấu vào trong không gian vật chất, định hướng cho ta cảm nhận nó. Không gian gắn liền với tư thế ứng xử. Ở không gian lưu lạc con người buộc phải liều lĩnh, bất chấp tất cả:

– “Cũng liều nhắm mắt đưa chân

Mà xem con tạo xoay vần đến đâu”

– “Biết thân chạy chẳng khỏi trời,

[external_link offset=1]

Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”…

            Kiều đã chọi lại Sở Khanh, vặn lại Tú Bà, đã ăn cắp chuông khánh, đã nói dối Giác Duyên, nhưng đồng thời nàng vẫn luôn luôn khiếp sợ, hãi hùng: “E dè sóng gió hãi hùng cỏ hoa”, “Một mình khôn biết làm sao – Dặm trường bước thấp bước cao hãi hùng”. Nỗi khiếp sợ Hoạn Thư của Kiều được cực tả tài tình:

“Nghe thôi kinh hãi xiết đâu

Đàn bà thế ấy, thấy âu một người

Ấy mới gan, ấy mới tài

Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời”…

            Trong văn học Việt Nam cổ điển, dễ thường rất hiếm có hình tượng nhân vật chính diện lại thể hiện sự khiếp sợ. Khiếp sợ như một phẩm chất tầm thường, chỉ thuộc loại người hèn nhát, đối lập hẳn với phẩm chất khí phách, bất khuất truyền thống, không thể ở cùng dãy với các phẩm chất trung, hiếu, tiết, nghĩa, trinh, liệt, là những phẩm chất lý tưởng. Như vậy không gian lưu lạc giúp bộc lộ những phẩm chất phi lý tưởng của nhân vật ngay trong không khí đạo đức lý tưởng rất đậm đặc. Khiếp sợ như một cảm thức hiện sinh mà Kierkegaad xác nhận đã được hé lộ trong Truyện Kiều khi nhân vật phát hiện mình đứng trước hư vô. Tác giả đã khẳng định những tính chất, thuộc tính người phổ biến, đồng thời cũng thể hiện tấm lòng thông cảm, bao dung rất mực của ông. Con người lưu lạc là con người đã đánh mất tất cả, con người bị đánh bật khỏi địa vị tốt đẹp trong bậc thang xã hội, lúc đó nó chỉ có thể bộc lộ một tính người không ràng buộc mà thôi. Ý kiến cho rằng Kiều chỉ là một nhân vật lý tưởng, hoặc lý tưởng hoá hơn nguyên tác, có lẽ chỉ đúng ở một vài khía cạnh nào đó, do tình tiết nguyên tác gợi nên, còn trong truyện, do Nguyễn Du đặt trọng tâm vào không gian lưu lạc, tính cách nhân vật đã đổi khác.

Đối với con người trung đại, gia đình, nguồn cội, quê hương là cái không gian đảm bảo cho sự yên ổn, giá trị, mà một khi rời bỏ nó thì con người trở nên yếu đuối, trống rỗng như tự đánh mất mình. Không gian sống của Kiều như chia làm hai nửa: quê mình và quê người (tha hương), và quê người là một không gian xa lạ, đau khổ, bơ vơ cho bất cứ ai. Kiều là nhân vật mang không gian gia đình trong người, lạ sống giữa không gian lưu lạc:

– “Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề”

– “Buồn trông phong cảnh quê người

– “Dẫu rằng xương trắng quê người quản đâu

– “Sống nhờ đất khách thác chôn quê người

– “Nắng mưa thui thủi quê người một thân

– “Chung quanh những nước non người

     Đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu”

– “Dặm nghìn nước thẳm non xa

    Biết đâu thân phận con ra thế này”

-“Cửa người đày đoạ chút thân,

 Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu”

– “Chỉn e đất khách một mình

– “Những là lạ nước lạ non

Con người lưu lạc là chiếc lá bị bứt khỏi cây, là con chim lìa khỏi đàn, trở thành kẻ cô đơn, bơ vơ, muôn dặm một mình:

– “Thiếp như con én lạc đàn”

– “Thiếp như hoa đã lìa cành”

– “Từ phen chiếc lá lìa rừng”

– “Xót thay chiếc lá bơ vơ”

Và không gian quê người được cảm nhận như là nơi tận cùng trời đất, xa xôi rợn ngợp:

– “Ngoài nghìn dặm, chốc ba đông”

– “Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”

– “Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa”

– “Từ đây góc bể bên trời”

– “Nàng thì dặm khách xa xăm

– “Bên trời góc bể bơ vơ”

– “Song sa vò võ phương trời

-“… non nước xa khơi”

– “Chân trời mặt bể lênh đênh”

Một khi không gian tha hương đã được cảm nhận là nơi hẻo lánh, xa xăm, nơi “chân trời góc bể” thì nó cũng được cảm nhận như là nơi cách trở, nơi phân chia quê mình và quê người, là nơi biên ải xa lạ. Địa bàn của các sự kiện Truyện Kiều rõ ràng là không phải nơi biên ải. Song cảm quan biên ải dường như luôn luôn thường trực trong tâm hồn nhân vật chính. Kiều tiễn Thúc Sinh ở Sơn Đông (Lâm Tri), nhưng khi chia tay thì:

“Tiễn đưa một chén quan hà,

Xuân Đình thoắt đã đổi ra Cao Đình”

Xuân Đình đang là nơi họp mặt, vui chơi thoắt một cái thành ra Cao Đình. Cao Đình là một ngọn núi ở ngoại ô phía Bắc thành phố Hàng Châu tỉnh Triết Giang, vào thời Nam Tống là cửa ải vào Lâm An, nơi có con đường rẽ, người ta thường chia tay nhau. Thơ cổ có câu: “Cao Đình tương biệt xứ”(*). Cảm giác chia tay biên ải lại hiện ra ngay trong câu thơ tiếp theo:

“Sông Tần một dải xanh xanh,

Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan”

Dương Quan là cửa ải ở tỉnh Cam Túc. Nhà thơ Vương Duy có câu: “Tây xuất Dương Quan vô cố nhân” (Ra khỏi cửa Dương Quan phía tây sẽ không có bạn cũ đâu). Không thể hiểu là nhân vật đang ở Sơn Đông, thoắt cái hiện ra ở Triết Giang, lại thoắt cái nữa hiện ra ở Cam Túc! Chỉ có thể hiểu là, khi chia tay thì tất cả phong cảnh trước mắt đều nhuốm một màu biên ải ảm đạm, và bao nhiêu địa danh, biên ải xa xôi bỗng chốc tụ về, tạo thành cái cảm thức biên ải đậm đặc. Người đọc có cảm tưởng rằng, nếu không phải là người đã từng đi sứ, xa quê mấy nghìn dặm thì làm sao có được sự cảm nhận không gian xa cách đến như thế:

“Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”

Có thể nói, cùng với môtip “mặt nước cánh bèo”, “quê người đất khách”, “chân trời góc bể”, “ải quan” cũng là một mẫu gốc không gian được kết đọng trong kinh nghiệm lâu đời, dễ dàng gây xúc động về thân phận cô đơn, bé nhỏ của con người trước không gian bao la, xa lạ, cách trở.

Trong không gian lưu lạc, chí hướng của con người là hướng về quê cũ, nhớ về cội nguồn:

– “Bốn phương mây trắng một màu

Trông vời cố quốc biết đâu là nhà”

– “Đoái thương muôn dặm tử phần

Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”

– “Tấc lòng cố quốc tha hương

Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời”…

Không gian lưu lạc càng cho thấy rõ Kiều là con người của gia đình, một bộ phận của chỉnh thể tự nhiên bền vững, hoặc của làng quê, cộng đồng. Kiều mang không gian gia đình trong mình. Bảy lần Kiều nhớ nhà là bảy lần nhớ tới những người thân trong tinh thần nghĩa vụ, và xót thương thân phận lạc loài.

Không gian lưu lạc, một dạng của không gian phiêu lưu là không gian rất đặc trưng cho tiểu thuyết; ở đó con người buộc phải sống bên ngoài các giới hạn và khuôn khổ vốn có của mình, một mình phải đương đầu với thế giới bằng tất cả những gì mà nó có. Bakhtin coi đó là không gian tiêu biểu làm bộc lộ con người trong con người.

Cần nói thêm rằng Kiều của Thanh Tâm tài nhân rất ít cảm thức lưu lạc. Khi mơ thấy Đạm Tiên hẹn gặp ở Tiền Đường, Thuý Kiều ngơ ngác tự hỏi: “Vậy thì sông đó ở đâu? Nghĩ đi nghĩ lại, khiến nàng động mối thương tâm, khóc lên nức nở”. Còn Kiều của Nguyễn Du thì đã cảm thấy rõ cái không gian của mình:

“Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh

Hoa trôi bèo dạt đã đành

[external_link offset=2]

Biết duyên mình biết phận mình thế thôi

Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi”…

Khi Kim Trọng phải về ngay để hộ tang chú, Kim Trọng chỉ kêu than mấy tiếng, còn Kiều của Thanh Tâm tài nhân thì an ủi chàng: “Chàng ôi, thiếp thường nghe nói: Nam nhi chí ở bốn phương, nhẽ đâu lại để mối tình nhi nữ ràng buộc? Thôi thì chàng hãy sớm liệu ra đi…”. Một lời khuyên khuôn sáo và nhẹ bẫng, không hệ dự cảm thấy cái gì đang chờ đợi trước mắt.  Kim Trọng của Nguyễn Du trái lại nói những lời đầy dự cảm về sự cách trở xa xôi khôn lường:

“Gìn vàng giữ ngọc cho hay,

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”…

Kiều của Nguyễn Du, ngoài lời thề thốt còn:

“Buồn trông phong cảnh quê người

Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa”

Khi cậy em thay lời. Thuý Kiều của Thanh Tâm tài nhân chỉ nói: “Chị đây cảm tấm tình của chàng, nhưng mà kiếp này đã lỡ, kiếp sau chị sẽ báo đền. Nói xong thì nàng ngất xỉu”… Kiều của Nguyễn Du vừa cậy em, vừa như nói với chàng Kim:

“Phận sao phận bạc như vôi

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng!

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

Trong Kim Vân Kiều truyện, đoạn Kiều tiễn Thúc Sinh về nhà, kể rằng cả đêm hai người mải say giấc mộng Vu Sơn, mưa gió tràn trề kéo mãi cho đến trống canh năm. Khi trời tang tảng sáng, Thúc chỉ ngập ngừng nói hai tiếng “bảo trọng” rồi gạt lệ bước ra. Kiều muốn tiễn ra khỏi cửa, bỗng thấy Thúc Ông và các bạn đến tiễn, nàng phải đứng lại sau tấm bình phong. Hai bên chỉ trả lời nhau bằng đôi dòng nước mắt mà thôi. Kiều của Nguyễn Du đã tiễn chàng tới bên con ngựa và hai tay như đang nắm chặt vạt áo của chàng:

“Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san!”

Có thể nói cảm giác phiêu dạt, trôi nổi, lênh đênh là thường trực ở Kiều của Nguyễn Du, làm cho nhân vật có linh hồn, tâm trạng sống động sâu sắc, còn Kiều của Thanh Tâm tài nhân thì chỉ có cảm giác sinh hoạt thông thường.

Cảm thức lưu lạc ở Kiều của Nguyễn Du sở dĩ có được là do ảnh hưởng của thơ Đường; do mang nỗi niềm của bao ông quan đã từng bị trích, bị biếm, luân lạc lận đận như Bạch Cư Dị: “Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân – Tương phùng hà tất tằng tương thức?” (Đều là người luân lạc nơi chân trời – Gặp nhau đâu cần phải là quen biết nhau?); do chất chứa bao nhiêu cảnh tiễn biệt, như của Vương Duy: “Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu – Tây xuất Dương Quan vô cố nhân” (Khuyên anh uống thêm một chén rượu nữa – Ra khỏi cửa ải Dương Quan phía tây sẽ không có bạn cũ đâu!), bao nhiêu cảnh xa nhà, cảnh làm khách tha hương, những cảnh mà chính Nguyễn Du đã thể nghiệm trong đời làm quan và đi sứ. Đặc biệt trong đó có cảm nhận về số phận luân lạc của bao kẻ tài hoa bạc mệnh, trâm gãy bình tan, hoa trôi hoa rụng. Thiếu cảm giác ấy, thế giới tâm hồn, không gian nhân vật không thể gây được đồng cảm sâu sắc trong lòng người đọc đến như vậy.

Chính cái không gian nội cảm nói trên làm cho người ta quên mất đi câu chuyện đang xảy ra ở tại các địa danh xa lạ của Trung Quốc mà nhập thân sống với nhân vật như là đang ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai lúc sinh thời biết chúng tôi nghiên cứu không gian Truyện Kiều, đã nêu một câu hỏi ý vị: “Anh xem câu: “Lâm Tri đường bộ tháng chầy – Mà đường hải đạo sang ngay thì gần” là không gian nào?”. Sau đó đọc Lều chõng của Ngô Tất Tố, trong đó có miêu tả đoạn đường từ Thăng Long vào kinh đô Huế mà các thí sinh xưa thường đi, chúng tôi thấy rất có thể câu thơ thấm nhuần cảm thức không gian từ Thăng Long vào kinh đô Huế: đi đường bộ thường mất hơn một tháng, mà đi đường thuỷ thì nhanh hơn nhiều. Có người đọc câu “Long lanh đáy nước in trời – Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”, liên tưởng tới cảnh sắc cố đô Huế với lầu son gác tía phản chiếu dưới dònh sông Hương, và câu “Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia” thì gợi lên trong ký ức những cồn cát triền miên của xứ Quảng Bình. Rất có thể không gian nghệ thuật Truyện Kiều có đặc điểm này: bề ngoài là tên đất, phong cảnh phương Bắc, nhưng cảm thức không gian nội cảm khoác lên trên đó lại là không gian Việt Nam gần gũi, hoặc không gian sống phổ quát của kiếp người.

Nhưng Truyện Kiều đồng thời cũng là tiểu thuyết về khát vọng giải thoát. Là một thiếu nữ trung đại, Thuý Kiều sống trong trùng trùng trói buộc, giam hãm mà nàng phải luôn luôn chủ động thoát ra để được sống như những con người. Khác với không gian của truyện cổ tích là không mang sức cản (người và cây cỏ, loài vật giao tiếp với nhau dễ dàng, làm ác, làm thiện, đi xa đều không bị gây cản trở, trái lại, thực hiện dễ dàng), không gian của tiểu thuyết thường là đầy sức cản để thử thách tính tích cực chủ động của con người.

Tuổi đào tơ của Kiều được vây bọc giữa những trướng rủ, màn che tượng trưng cho sự trinh trắng, nguyên vẹn:

“Êm đềm trướng rủ màn che

Tường đông ong bướm đi về mặc ai”

Trước mắt Kim Trọng, Kiều như một người đã bị khép kín hoàn toàn:

“Thâm nghiêm kín cổng cao tường

Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh”

Bức tường trở thành trở lực ngăn cách sự tiếp xúc của đôi trẻ. Bức tường, hàng rào cũng là một mẫu gốc kết đọng những kinh nghiệm bị ngăn cấm nghìn đời mà tình yêu muôn đời phải vượt qua. Không phải ngẫu nhiên mà trong Tây sương ký của Vương Thực Phủ, Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy phải vượt qua bức tường chùa Phổ Cứu, còn trong Rômêô và Giuyliet thì Rômêô phải vượt qua bức tường nhà Capulet để đến với người yêu. Sau này, bức tường là chủ đề của văn học hiện sinh như truyện ngắn Bức tường viết năm 1939 của J.P.Sactơrơ cho biết rằng trí tưởng tượng của con người thường không thể vượt qua khỏi những bước tường có sẵn của định mệnh.

Nguyễn Du nhiều lần láy đi láy lại môtip bị giam hãm của Kiều như khoá xuân, mấy lần cửa đóng then cài, đồng toả nguyên phong, còn Kim Trọng thì loay hoay sốt ruột ở bên ngoài: “Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông!”, “Cách tường phải buổi êm trời”, “Lần theo tường gấm dạo quanh”. Nhà thơ như đứng trên cao hồi hộp nhìn xem đôi trẻ bị ngăn cách gặp nhau thế nào. Bức tường là hiện thân của trở lực, và không ai có thể bỏ qua được nó. Kiều thì: “Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ”, Kim Trọng thì vội vàng “Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng”, và cuối cùng là cuộc vượt tường: “Thang mây dón bước ngọn tường!”.

Tuy đã vượt qua, nhưng bức tường vẫn luôn luôn là một ám ảnh: “Một tường tuyết trở sương che – Tin xuân đâu dễ đi về cho năng” mà hễ có dịp là “Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường”, và cuối cùng là cảnh xắn tay thông tường vui vẻ:

“Cuối tường dường có nẻo thông mới rào

Xắn tay mở khoá động đào,

Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên thai!”

            Chữ “dường” mới thật khéo. Không biết là có nẻo thông thật hay người ta cho là có để mở thông ra?

Ngoài bức tường vật chất, giữa hai người còn có bức tường của ý thức, cái bức tường mà Kim Trọng phải vấp trán khi “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, bức tường sau này làm cho Kiều dằn vặt đau khổ: “Vì ai ngăn đón gió đông – Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi”.

Cuộc đời lưu lạc của Kiều là một đời đầy những sự giam hãm và những cuộc chạy thoát. Vừa bán mình cho Mã Giám Sinh, Kiều rơi vào cảnh “Bốn bề xuân khoá một nàng ở trong”. Ở lầu xanh sau khi Kiều tự tử được cứu, Tú Bà lại “Khoá buồng xuân để đợi ngày đào non”. Ở đây lại xuất hiện bức tường và kẻ cách tường hoạ vần, rẽ song bây giờ là một tên lừa đảo. Đối với Kiều cửa công cũng là địa ngục. Nhà họ Hoạn danh gia cũng là địa ngục trần gian, “Dễ dò rốn bể khôn lường đáy sông”, đầy hiểm hoạ. Quan Âm các chỉ là nơi giam lỏng, và Kiều buộc phải “Cất mình qua ngọn tường hoa – Lần đường theo bóng trăng tà về tây”. Từ đó Kiều vào lầu xanh rồi được Từ Hải cứu thoát ra, Kiều rơi vào tay Hồ Tôn Hiến rồi lại tự giải thoát trên sông Tiền Đường, Kiều vào cửa không rồi lại được trở về đoàn tụ. Một chuỗi vòng trần ai như buộc lấy Kiều và cảm thức về thân phận cá chậu chim lồng là rất tiêu biểu: “Chim lồng khôn lẽ cất mình bay cao”, cảm giác bất lực: “Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời”, lòng khao khát một bầu trời, một đôi cánh: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời – Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”. Có thể nói từ trong tâm hồn, cảm thức nhân vật chính của Truyện Kiều luôn luôn sống trong một không gian tù túng, giam hãm và con người ấy luôn khao khát được vùng vẫy, giải thoát, giải phóng. Bức tường này vừa thực vừa hư. Nhưng nếu không giải thoát thì đời nàng không có ý nghĩa.

Không gian giam hãm và không gian lưu lạc là hai không gian chủ yếu của cuộc sống mà con người phải đối phó để tồn tại. Với hai không gian đó Nguyễn Du đã biểu hiện hết các cung bậc tình cảm chân thật của con người đương thời và còn có thể nói là của con người nói chung.

Có thể bạn đọc sẽ tiếc nuối mà nghĩ: giá như Nguyễn du đặt câu chuyện ấy vào không gian Việt Nam, kinh đô Việt Nam, thành thị Việt Nam! Sử dụng không gian nước ngoài cũng là một yêu cầu của nghệ thuật, yêu cầu xa lạ hoá, phổ quát hoá. Chúng ta biết chỉ vì câu “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” mà tương truyền Tự Đức còn muốn đánh đòn nhà thơ ba trăm gậy, thì nếu câu chuyện xảy ra ở Việt Nam, hậu quả rồi sẽ ra sao?!.

Nói đến không gian Truyện Kiều ta còn có thể nói tới không gian vũ trụ, yếu tố quy định ngôn ngữ không gian trong tác phẩm; không gian “cõi ngoài” của sư Tam Hợp, không gian “trong mộng” của hồn ma Đạm Tiên hư hư ảo ảo. Nhưng điều quan trọng là trong Truyện Kiều, tác giả thực sự đã giã từ không gian kịch để thực hiện một không gian tiểu thuyết đích thực. Không gian kịch là không gian chỉ cho phép người xem một chiều, xem từ phía các dãy ghế nhìn lên. Nếu xem từ cánh gà hay hậu trường thì sẽ thấy bề trái của các trang trí giả tạo, sẽ nghe thấy tiếng nhắc vở khiến nhân vật nhắc lại như con vẹt rất buồn cười, và thường là chỉ thấy phần lưng của diễn viên, và như vậy, không phải là xem kịch! Cấu tạo của kịch múa rối, của tuồng, chèo, kịch nói… đều theo nguyên tắc nhìn một chiều. Đặc điểm thứ hai của không gian kịch là cách xa người xem. Diễn viên buộc phải nói to lên lời nói thầm cho người ngồi hàng cuối của rạp được nghe rõ. Không gian này đòi hỏi mọi biểu hiện của diễn viên phải phóng đại thì người xem mới nhận ra: phóng đại trong cử chỉ, trong nét mặt, trong lời nói và phóng đại cả phương diện tâm lý. Tính cách nhân vật kịch thường một chiều, cố chấp, không hiểu hoặc hiểu lầm người bên cạnh, và nhờ vậy mà tạo ra hiệu quả “kịch”. Các truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn thường khai thác cái nhìn một chiều của kịch, tạo ra những nhân vật dẹt, chỉ được nhìn một phía. Chẳng hạn Thạch Sanh rất cả tin và nhờ thế Lý Thông lừa được chàng dễ dàng. Nếu chàng tinh ý, thì câu chuyện không thể kể được. Cũng vậy, Tấm phải cả tin ngờ nghệch thì mẹ Cám mới chặt cau khiến nàng chết. Ngược lại, cuối truyện, đến lượt mình, Cám lại cả tin ngoan ngoãn ngồi cho chị Tấm dội nước sôi… Nếu nhân vật biết phán đoán thì truyện cổ tích không dễ dàng kể được. Cũng vậy, truyện Trí khôn tao đây chỉ cho ta biết cái trí khôn “của con người”, chứ không cần biết đó đã phải “trí khôn” thật chưa. Nếu chỉ dựa vào thủ đoạn và lừa bịp thì sao thuần dưỡng được con trâu, và ở đây việc đốt cháy con hổ là vô lý, vì con hổ đâu có ý hại người! Rõ ràng truyện cổ tích chỉ cho phép ta xem một phía, không được hỏi lại phía đằng sau, nếu không muốn phá huỷ ấn tượng thẩm mỹ. Và đó là nguyên tắc không gian kiểu kịch.

Truyện Kiều vẫn còn mang nhiều biểu hiện của kịch: như lối trang trí mặt nạ, hồng nhan, mặt sắt, râu hùm, hàm én… những lối vẽ mặt của kịch, cốt sao cho người ngồi xa nhìn là biết ngay. Làm thơ thì “Tay tiên gió táp mưa sa”, khóc người tình thì “Vật mình vẫy gió tuôn mưa”, khuyên người tình: “Thưa rằng đừng lấy làm chơi!”, khóc người dưới mộ thì “Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài”… đều là động tác khoa trương “ngoại hiện” kiểu kịch, làm cho người đứng xa cũng trông thấy được! Đối với người xem tiểu thuyết là người nhìn gần, nhìn từ bên trong thì các chi tiết kiểu đó gây cảm giác cộm lên, không thật.

Mặt khác, đúng như Biêlinxki từng nói, kịch điều hoà, phối hợp tự sự và trữ tình, (…) nhưng sự tồn tại của chủ thể trong kịch có một ý nghĩa khác hẳn trong thơ trữ tình: nó không tập trung vào cảm giác của chính bản thân mình, không phải là nhà thơ, mà đã bước ra để trở thành đối tượng trực quan trong thế giới khách quan mà nó tự tạo ra…. Nhân vật Kiều luôn luôn tự tập trung vào thế giới nội tâm của mình, mà không tự biểu diễn, do đó lại càng không phải là nhân vật kịch. Nhưng xét mặt khác, theo quan điểm kịch là thể loại biến việc quá khứ thành sự việc hiện tại thì Truyện Kiều đã kịch hóa tâm trạng của kiều để mang thêm kịch tính tâm lý.

Bước tiến tiểu thuyết hoá hiện đại thực sự của Truyện Kiều biểu hiện ở chỗ xóa bỏ khoảng cách xa giữa nhân vật và người đọc và xoá bỏ cách nhìn nhân vật một chiều, điều mà chúng tôi đã trình bày trong phần trước.

Cũng cần nói thêm là kịch phương Đông vốn là kịch tự sự, không hề biết đến cái ảo giác khách quan do quy tắc tam duy nhất mang lại. Nhưng yếu tố tự sự có được một phần do không gian được chia nhỏ ra, thời gian liên tục một cách ước lệ, một phần do các nhân vật tự giới thiệu về mình, tự xưng danh. Nhiều biện pháp tự sự của kịch phương Đông và tự sự của tiểu thuyết ở đây không phân biệt nhau lắm. Biện pháp thời gian gối đầu theo kiểu: “Hàn huyên chưa kịp giãi dề – Sai nha đã thấy bốn bề xôn xao” đều xoá bỏ khoảng cách thời gian của kịch. Mặt khác sáng tạo lời trần thuật nhất quán của người trần thuật cũng là biện pháp xoá bỏ kịch.

Tóm lại, Truyện Kiều tuy sử dụng những địa danh cụ thể của nước ngoài trong cốt truyện vay mượn, nhưng tác giả của nó đã sáng tạo ra một không gian nội cảm với những mẫu gốc có ý nghĩa nhân sinh phổ quát, biến không gian nghệ thuật thành một hình tượng có tầm khái quát nhân loại. Cả không gian lưu lạc lẫn không gian giam hãm đòi hỏi giả thoát đã tạo tiền đề cho việc thể hiện tính người phổ quát của nhân vật, khiến cho ai đọc đến cũng đồng cảm, thương xót.


(*) Trong phần chú thích của nhiều bản Kiều đều ghi là “thơ cổ” mà không nói là của ai, thời nào. Xem: Từ điển “Truyện Kiều”. Đào Duy Anh: Truyện Kiều do Nguyễn Thạch Giang chú giải. Truyện Kiều do Lê Văn Hoè chú giải. Truyện Kiều của nhóm nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn. Người viết bài này cũng chưa tra ra được. Sách Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện cũng chép theo Bùi Kỉ, và thừa nhận chưa được rõ nghĩa lắm (tr.116). [external_footer]

Xổ số miền Bắc