Đối tượng, phương pháp nghiên cứu và tầm quan trọng của ngữ âm học (tóm tắt)

1. Đối tượng của ngữ âm học

– Ngay từ khi từ khi mới xuất hiện, ngôn ngữ đã tồn tại dưới hình thức âm thanh. Con người giao tiếp được với nhau chính là nhờ hình thức vật chất này. Mặt âm thanh đã làm nên tính chất hiện thực của ngôn ngữ. Nói đến ngôn ngữ là nói đến ngôn ngữ bằng âm thanh. Và hình thức âm thanh của ngôn ngữ được gọi là ngữ âm, ngữ âm là cái vỏ vật chất của ngôn ngữ, là hình thức tồn tại của ngôn ngữ.

[external_link_head]

Ngữ âm học (phonetics) là khoa học nghiên cứu mặt ngữ âm của ngôn ngữ. Tuy nhiên, nó không chỉ nghiên cứu những dòng âm thanh cụ thể của tiếng nói mà còn cả những đơn vị ngữ âm, những quy luật tổ chức, kết hợp các âm. Ngoài ra, ngữ âm học còn nghiên cứu cả chữ viết – một phương tiện ghi lại ngôn ngữ bằng văn tự.

– Ngữ âm học được phân thành ngữ âm học đại cương và ngữ âm học cục bộ.

Ngữ âm học đại cương nghiên cứu những quy luật ngữ âm chung cho tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, những nguyên lí cấu tạo chung của các âm, những phương pháp nghiên cứu ngữ âm, lí luận chung về cách viết và chính tả…

+ Ngữ âm học cục bộ nghiên cứu ngữ âm của một ngôn ngữ cụ thể. Nó bao gồm hai bộ phận:

Ngữ âm học miêu tả: nghiên cứu ngữ âm ở trạng thái hiện tại (đương đại) của nó.

[external_link offset=1]

Ngữ âm học lịch sử: nghiên cứu quá trình phát triển lịch sử của hệ thống ngữ âm.

– Mặt âm thanh của ngôn ngữ được xem xét ở 3 góc độ:

sinh vật học (cấu âm)

vật lí học (âm học): độ cao, độ mạnh, độ dài, âm sắc, tiếng động và tiếng thanh…

chức năng xã hội

2. Phương pháp nghiên cứu của ngữ âm học

Do ngữ âm học nghiên cứu cả mặt tự nhiên lẫn mặt xã hội của ngữ âm cho nên nó đã sử dụng hai loại phương pháp nghiên cứu chủ yếu khác nhau: Một loại thích dụng với các khoa học tự nhiên; Một loại thích dụng với các khoa học xã hội.

Loại thứ nhất là phương pháp quan sát, miêu tả các hiện tượng ngữ âm. Sự quan sát có thể tiến hành bằng mắt, bằng tai của người nghiên cứu. Ví dụ, khi quan sát một người nào đó phát âm hai tiếng “tu hú” người nghiên cứu nhìn thấy hai môi người phát âm tròn lại và nhô về phía trước. Đó là sự quan sát trực tiếp. Quan sát còn có thể tiến hành bằng phương pháp gián tiếp, tức là qua máy. Ngữ âm học thực nghiệm đã dùng hàng loạt máy móc hiện đại để quan sát âm thanh lời nói. Chung quy lại có thể phân thành bốn loại phương tiện chính là:

  1. Các phương tiện ghi hình cung cấp những đường ghi trên giấy hay trên phim ảnh. Những đường ghi này không thể chuyển lại thành âm thanh mà chỉ có thể xem bằng mắt.
  2. Các phương tiện ghi âm lên mặt sáp, mặt nhựa, băng từ tính, đĩa quang… để khi cần có thể chuyển các đường ghi thành âm thanh trở lại.
  3. Các phương tiện ghi vị trí của các cơ quan cấu âm (máy ảnh, máy quay phim bằng tia X).
  4. Các phương tiện ghi và phân tích âm thành bằng máy quang phổ, máy hiện sóng…

Phương pháp quan sát bằng máy cho ta những cứ liệu chính xác. Nó giúp người nghiên cứu quan sát được những sắc thái quá nhỏ bé của âm thanh mà thính giác của con người không có khả năng nhận biết, phân biệt. Tuy nhiên, nó không phải là phương pháp duy nhất và không phải trong trường hợp nào cũng có thể thay thế được phương pháp quan sát trực tiếp.

Phương pháp thứ hai vốn thích dụng hơn với các khoa học xã hội là phương phápsuy luận. Ví dụ, từ chỗ người Việt có phân biệt nghĩa của hai từ “rác” và “rắc“, nhà nghiên cứu suy ra được rằng trong tiếng Việt trường độ có tác dụng phân biệt nghĩa, có một chức năng xã hội. Phương pháp suy luận dựa trên sự đối chiếu, so sánh các từ để tìm ra cái có ý nghĩa ngôn ngữ học.

Trong hai loại phương pháp nghiên cứu kể trên, phương pháp quan sát, miêu tả thường đi trước và là bước chuẩn bị cho phương pháp suy luận. Song đi trước không có nghĩa là quyết định. Để tìm ra hệ thống nguyên âm, phụ âm của một ngôn ngữ nào đó, người nghiên cứu không thể không tiến hành bước thứ hai: bước suy luận. Với ý nghĩa đó mà nói thì phương pháp suy luận mới là phương pháp chủ yếu của ngữ âm học.

[external_link offset=2]

3. Tầm quan trọng của ngữ âm học

Ngữ âm học có một ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Những thành tựu của nó đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngữ âm học đưa ra những cơ sở khoa học để xây dựng âm chuẩn cho một ngôn ngữ, đặt chữ viết cho các dân tộc chưa có chữ viết và cải tiến hệ thống chữ viết của các dân tộc đã có chữ viết từ trước.

Kiến thức ngữ âm học rất cần cho việc dạy và học ngoại ngữ. Nếu người dạy có những tri thức vững chắc về ngữ âm học và người học cũng có những khái niệm tối thiểu về môn này thì kết quả học tập sẽ tốt hơn, bởi vì người học không đơn thuần “bắt chước” lối phát âm của người nước ngoài mà tiếp thu nó một cách có ý thức, dựa trên sự so sánh cấu âm của tiếng ngoại quốc với tiếng mẹ đẻ của mình.

Những tri thức khoa học về mặt ngữ âm học có thể giúp ích cho việc dạy phát âm, dạy học theo đúng âm chuẩn, dạy chính tả, phân tích các tổ chức âm thanh của một tác phẩm thơ, v.v…

Ngoài ra ngữ âm học còn có một vai trò nhất định trong việc khôi phục lại ngôn ngữ cho những người bệnh mắc chứng mất ngôn do chấn thương sọ não, những trẻ em câm–điếc từ nhỏ; trong việc kiểm tra sự minh xác của đường dây trong ngành thông tin, trong việc đặt lời ca khúc phù hợp với nhạc để không tạo nên sự méo mó, sai lạc cho lời ca, v.v…(1)

Với các bộ môn khác của ngôn ngữ học như ngữ pháp học và từ vựng học, ngữ âm học cũng có một tác dụng hỗ trợ nhất định để làm sáng tỏ những hiện tượng có liên quan đến các bộ môn này (ví dụ: quy luật tổ chức ngữ âm trong các từ láy v.v…).

Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến (1997) Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[external_footer]

Xổ số miền Bắc