Các công ty lữ hành tư nhân: Nhộn nhịp “chào sân”

(GLO)- Chỉ trong 3 năm trở lại đây, hàng loạt các công ty lữ hành tư nhân liên tiếp xuất hiện tại Pleiku đã cho thấy sự phát triển nhanh chóng của thị trường du lịch Gia Lai.  

Thống kê từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho thấy, trước năm 2011 cả tỉnh chỉ có 1 đơn vị làm du lịch, đó là Trung tâm lữ hành của Công ty cổ phần Dịch vụ-Du lịch Gia Lai (cũ). Vậy nhưng, đến nay tại Pleiku đã hiện diện đến 11 công ty lữ hành, chưa kể có 2 đơn vị đang hoàn chỉnh hồ sơ thành lập. Đây được đánh giá là tín hiệu khả quan trong phát triển du lịch Gia Lai.

Sôi động thị trường du lịch

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, quy trình thành lập các công ty lữ hành khá đơn giản: Nếu phạm vi kinh doanh là lữ hành nội địa thì chỉ cần xin giấy phép của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó xin làm thẻ hướng dẫn viên tại Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, với các công ty có kinh doanh mảng lữ hành quốc tế thì phải cam kết ký quỹ 500 triệu đồng nhằm phòng trừ trường hợp phải bồi thường khi công ty “mang khách bỏ chợ” khi đưa khách ra nước ngoài. Hiện trong số 11 công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh có 5 công ty kinh doanh ở cả 2 mảng nội địa và quốc tế.
 

Gia Lai đang ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn.     Ảnh: P.D

Gia Lai đang ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn. Ảnh: P.D

Ngoài 2 công ty cổ phần còn một phần vốn sở hữu nhà nước là Lữ hành Gia Lai Xanh, Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel)-Chi nhánh Pleiku, số còn lại đều là công ty tư nhân. Doanh nghiệp tại Gia Lai thì có thể kể đến những cái tên như: Du lịch Pleiku, Sinh Thái Gia Lai, Thiên Lộc Tourist,  Phố Núi, Pleiku Việt, Phú Cường Gia Lai, Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Gia Lai… Ngoài ra, thị trường du lịch cũng đông vui hơn với sự góp mặt của một số doanh nghiệp các tỉnh khác như Công ty TNHH một thành viên Du lịch Hải Vân (Đak Lak), hay hãng lữ hành đã định hình thương hiệu lâu nay là Vietravel.

Rõ ràng, Gia Lai đang ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn, một thị trường đầy tiềm năng. Anh Phan Ngọc Dũng-Giám đốc Vietravel-Chi nhánh Pleiku-cho biết: Chi nhánh Pleiku ra mắt vào tháng 3-2014, tiếp đó là chi nhánh Buôn Ma Thuột. Lý do là vì “Đak Lak và Gia Lai là 2 thị trường lớn và trọng điểm của khu vực Tây Nguyên với tài nguyên du lịch hết sức dồi dào”.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Đức Hoàng thì hoạt động của các công ty còn yếu, quy mô nhỏ. Chính vì vậy, “hầu như nhà nước đầu tư gì thì họ khai thác cái đó, chứ chưa có sự đóng góp, chưa xây dựng được những điểm đến”-Phó Giám đốc Sở nói.

Tìm kiếm cơ hội phát triển

Sự xuất hiện của hàng loạt các công ty lữ hành chỉ trong thời gian ngắn đã khiến thị trường du lịch Gia Lai ngày càng trở nên sôi động, nhưng đồng thời cũng làm cho sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn chung khi mà hệ thống giao thông chưa thuận lợi; các cơ sở lưu trú thiếu sự đầu tư bài bản; hệ thống nhà hàng, khách sạn hầu như không hề có chương trình ưu đãi nào đối với các đơn vị làm du lịch; các điểm đến ít được làm mới; việc bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa chưa tương xứng…

Trong điều kiện đó, mỗi doanh nghiệp có cách “bơi” khác nhau để có thể tồn tại và phát triển. Anh Hoàng Phương-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Niềm Vui Việt (Vietjoy Tourist), cho biết: Công ty thành lập từ tháng 4-2014, hoạt động song song với một công ty lữ hành đã ra mắt ở TP. Hồ Chí Minh trước đó 2 năm. Với đặc thù chỉ kinh doanh lữ hành nội địa, lẽ ra phải ngồi “chơi không” vào mùa khách quốc tế thì Vietjoy lại có nguồn thu khác bù vào từ việc tổ chức các tour hành hương (về La Vang-Quảng Trị, Măng Đen-Kon Tum, Trà Kiệu-Quảng Nam…), cho thuê xe tự lái, bán vé máy bay… Ngoài ra, công ty ở TP. Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ và “bù lỗ” được phần nào. Hoạt động khá rộng, nhân viên kinh doanh của Vietjoy không chỉ “cắm” ở Gia Lai mà còn ở TP. Hồ Chí Minh, Phú Yên, Quy Nhơn, Cà Mau.

Trong khi đó, là đơn vị tư nhân đầu tiên thành lập trên thị trường du lịch Gia Lai vào năm 2011, công ty TNHH một thành viên Du lịch Pleiku (Pleiku Tourist) kinh doanh cả mảng nội địa và quốc tế nên có nhiều lợi thế hơn, có thể “đón đầu” cả 2 loại khách của các mùa du lịch trong năm. Giám đốc Nguyễn Đình Minh Tuấn chia sẻ: “Mình là công ty tư nhân nên xác định tiềm năng là khách lẻ, khách của các công ty tư nhân. Về giá cả thì phải chấp nhận lời ít để có mức giá cạnh tranh, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo các dịch vụ như đã cam kết với khách hàng”. Hiện Công ty có 2 tuyến chính là du lịch văn hóa và du lịch sinh thái.

Dù chỉ là “lính mới” trong thị trường du lịch Gia Lai nhưng Vietravel-Chi nhánh Pleiku cũng đã kịp có những định hướng khai thác du lịch phù hợp. Anh Phan Ngọc Dũng-Giám đốc Chi nhánh, cho biết: Pleiku sẽ tạo dựng liên kết với các chi nhánh cùng Công ty ở Bình Định và Đak Lak nhằm làm phong phú những sản phẩm du lịch đặc trưng về văn hóa Tây Nguyên, Tây Sơn-Nguyễn Huệ, đồng thời khai thác các tour về nguồn (Chiến thắng Đak Pơ, Làng kháng chiến Stơr, chiến thắng Plei Me)…

Tuy có những chiến lược kinh doanh khác nhau, nhưng vì còn khá mới nên có đứng vững trên thị trường hay không vẫn là điều mà nhiều doanh nghiệp chưa thể khẳng định.

Phương Duyên

Source: https://mix166.vn
Category: Khám Phá

Xổ số miền Bắc