Dẫn chứng về sự tử tế trong cuộc sống

Thế nào là sự tử tế? Các biểu hiện của sự tử tế trong cuộc sống là gì? Hãy cùng Top lời giải đi tìm hiểu về khái niệm và các Dẫn chứng về sự tử tế qua các bài văn mẫu sưu tầm cực kì đặc sắc sau đây.

Khái niệm sự tử tế

       “Tử tế” có nghĩa là sự cẩn thận, kĩ lưỡng, thận trọng, chu đáo trong công việc, trong lối sống và trong cách đối xử với mọi người. Người tử tế là người có tấm lòng nhân ái, biết tôn trọng bản thân và người khác, có thái độ sống nhân từ, hoà hợp với thế giới xung quanh, đề cao đạo đức, sự lịch thiệp, nhã nhặn, tình yêu thương, lẽ công bằng. Người sống tử tế luôn biết nâng niu, quý trọng từ những cái nhỏ nhặt, bình thường nhất trong cuộc sống để tạo nên lối sống đẹp, được nhiều người yêu mến, quý trọng.

[external_link_head]

       Tử tế là phẩm chất cao quý của con người. Người tử tế, do đó, không chỉ là người có phẩm chất cao quý mà còn là người biết sử dụng lòng tốt của bản thân, chia sẻ những nổi khổ niềm đau trong cuộc sống, nhằm góp phần xây dựng cuộc sống an bình hơn. Sự tử tế không tự nó hình thành mà cần được dạy bảo, rèn luyện mới có được.   Lòng tử tế hiện hữu trong mỗi con người, trước nhất như một tiềm năng, do vậy, để có nó trong cuộc sống, ta cần khai thác, nuôi dưỡng, chăm sóc và phát triển.

Dẫn chứng về sự tử tế – Bài mẫu 1

       Tuổi 17 tôi ngày ngày đến trường, được lĩnh hội bao nhiêu bài học kiến thức – bài học về tâm hồn. Nhưng có lẽ, vì tuổi 17 tôi vẫn nghĩ mình “lo cho chơi và học đã” và tôi vẫn chưa thấy được mình phải sống thế nào. May mắn! Một ngày cuối tháng 11, khi tôi cầm tờ đề thi trên tay, tôi đã giật mình về chính mình – về cách sống mà mình cần nhận thức học hỏi: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những doanh nhân tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, những chính khách uyên bác nhưng nhất thiết phải là người tử tế”.

       Trong cuộc đời có những thứ mà khi sinh ra bạn không thể lựa chọn cho mình: tình yêu, cha mẹ, tài năng… nhưng sẽ có những thứ khi bạn nỗ lực hết mình sẽ đạt được nó. Cố gắng nỗ lực hết mình sống với tâm huyết bạn sẽ trở thành “người lao động chân chính” được mọi người tôn trọng. Bạn cũng có thể trở thành “doanh nhân tầm cỡ” được mọi người nể phục. Bạn cũng có thể trở thành “nhà lãnh đạo xuất sắc”, “những chính khách uyên bác” được mọi người tôn vinh, học hỏi. Nhưng, dù bạn trở thành ai, địa vị sau này bạn ở đâu thì cái quan trọng cuộc đời sẽ ghi nhận ở bạn đó là “người tử tế”. Vậy theo bạn “người tử tế” ở đây là gì?

       Hiểu một cách đơn giản “người tử tế” là người làm việc tốt, sống đúng, sống đẹp, sống có ý nghĩa, phù hợp với đạo đức, chuẩn mực của xã hội. “Người tử tế” phải là người sống thật với bản lĩnh của chính mình. Câu nói của PGS Văn Như Cương đã nhắc nhở chúng ta về lối sống tốt – sống đẹp ở đời.

       Người tử tế là người sống đúng, sống đẹp ở đời. Chúng ta sinh ra sống với đôi mắt trời sinh nhưng đã bao giờ bạn cho đó là một món quà? Cuộc sống được đan dệt bởi những yêu thương. Bạn đã bao giờ mở rộng trái tim để đón lấy và trao đi những yêu thương? Tố Hữu đã từng nói: “Đã là con chim, chiếc lá/ Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không có trả/ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

       Cho và nhận là điều ý nghĩa! Yêu thương là cội nguồn, căn cốt của sự sống. Lịch sử chẳng đã chứng minh tình yêu thương, tồn tại của người với người trong truyền thuyết Adam – Eva đó hay sao? Ở đời khi bạn nhận ra mình cần sống có ý nghĩa là lúc bạn biết mở rộng lòng mình với mọi người xung quanh. Biết yêu thương, cho đi – nhận lại là điều tuyệt vời. Khi bạn trao cho ai đó niềm vui, sự bất ngờ bạn sẽ nhận lại được những điều ý nghĩa. Bởi “Bàn tay trao hoa hồng bao giờ cũng vấn vương mùi hương”.

       Yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại vô hạn. Vì thế trong cuộc sống, hãy để bàn tay thơm thảo ướp hương tình người! Khi bạn biết giúp đỡ bà cụ ăn xin bằng vài đồng ăn sáng bạn sẽ thấy vui. Khi bạn biết nói “Con yêu mẹ” – bạn và mẹ sẽ rất hạnh phúc. Trong tình yêu, quan trọng không phải chúng ta sống bằng vật chất, tiền bạc mà sống bằng tình nghĩa, thủy chung son sắt. Và một chút nào đó, mọi người sẽ nhớ đến bạn: một trái tim sống ân nghĩa.

       Tôi muốn kể cho bạn nghe câu chuyện về hai thầy trò đi trên bãi cỏ xanh. Khi gặp người nông dân đang lặn dưới ao sâu. Cậu học trò nói: “Người đó để quên chiếc giày hay là mình giấu đi thử xem phản ứng của họ như thế nào”. Người thầy giáo: “Thay vì em giấu đôi giày đó thì em hãy thử đặt một cọc tiền xu vào xem phản ứng của họ như thế nào”. Cậu học trò nghe theo và khi người nông dân kia lên bờ nhìn thấy đôi giày có đồng xu. Ông lão reo lên: “Trời đã ban phúc cho ta. Hôm nay vợ con ta không phải nhịn đói nữa rồi”. Bạn có biết rằng, khi cho đi là khi ta đã nhận lại niềm vui…

       Người tử tế còn là người biết vượt qua hoàn cảnh để tỏa sáng. Cuộc sống không bao giờ trải sẵn thảm đỏ cho ta đi mà nó luôn là những sóng gió bất ngờ ập đến. Điều quan trọng đòi hỏi bạn phải có nghị lực sống vững bền, vượt qua hoàn cảnh. Pytago từng dạy ta: “Cõi đời hôn lên tôi nỗi đau thương/ Và đòi tôi phải đáp trả bằng lời ca tiếng hát”. Cuộc sống là thế! Khi bạn vấp phải khó khăn đau thương, cần vượt qua hoàn cảnh sống bằng lời ca tiếng hát của chính mình. Sống lạc quan, có nghị lực vượt qua hoàn cảnh sẽ cho ta lối sống, bản lĩnh vững vàng.

       Sống tử tế còn là biết cống hiến cho cuộc đời những giá trị tốt đẹp nhất. Dù bạn ở địa vị nào không quan trọng, cái quan trọng bạn cống hiến cho đời được những gì? Hay là anh thanh niên trên Sapa âm thầm cống hiến (Lặng lẽ Sapa), hay là chị lao công “tiếng chổi tre sớm tối đi về” (Tiếng chổi tre), hay là như lời dạy của Thanh Hải:

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

       Hãy là một mùa xuân nho nhỏ cống hiến trái tim cho đất nước. Dù ở tuổi nào chúng ta hãy cống hiến cho đất nước. Cống hiến cho cuộc sống tươi đẹp này!

       Bên cạnh những con người rất đáng học hỏi, cuộc sống vẫn còn những con người rất đáng suy ngẫm, bởi họ sống quá thực dụng, vô cảm, vụ lợi.

[external_link offset=1]

       Chúng ta còn nhớ vụ hôi bia ở Đồng Nai do chủ xe bị lật bánh. Mặc cho lời cầu xin của chủ xe họ vẫn “cướp giật” như cảnh nạn đói năm 1945. Hay là vụ người chồng lai vợ bầu đi sinh, giữa đường không may bị tai nạn người mẹ tử vong, người con văng ra khỏi bụng mẹ. Nhưng người dân vẫn không ai giúp đỡ.

       Thử hỏi, trong một xã hội mà ít lòng tốt thì con người sẽ sống sao? Họ sống bằng vụ lợi cá nhân, toan lo cho mình mà không biết nghĩ cho người xung quanh. Có người họ coi vật chất còn quan trọng hơn sự hy sinh của một ai đó. Cuộc sống với guồng quay vô tận vô tình “bê tông hóa tâm hồn” họ. Vì thế, để cuộc sống có ý nghĩa, mọi người – đặc biệt tuổi trẻ cần có ý thức, hành động cụ thể hơn.

       Hãy biết mở rộng vòng tay yêu thương cho đi mà không suy nghĩ. Hãy để bàn tay tình yêu ướp hương lòng người. Và chúng ta sống cần có lối sống, cách ứng xử đúng đắn. Vững vàng trước mọi cạm bẫy khó khăn ở đời. Ai đó đã từng nói: “Khi bạn bắn pháo đại bác vào cuộc sống. Nó sẽ tặng lại bạn quả lựu đạn”. Vì thế, hãy sống vượt qua hoàn cảnh, lạc quan, vượt qua nỗi đau thương trao tặng cho đời nụ hôn ngọt nào.

       Sống tử tế là khi chúng ta biết mình cần sống có ý nghĩa nhất. Đó là bài học mà phó giáo sư Văn Như Cương muốn nhắc nhở chúng ta! Đặt hoàn cảnh vào những người khác, tôi mới thấy được những người khó khăn, thiếu thốn, những người xung quanh mong muốn nhận tình yêu, đôi tay ấm nồng của mình đến mức nào. Không phải là lời nói sống, mà là hành động cụ thể để cuộc sống thêm phần ý nghĩa.

       Ngày hôm nay, tôi thả ra ngoài cuộc đời kia những hạt phấn thông vàng, mong rằng chúng sẽ đến được với tất cả mọi người, thì thầm câu chuyện về một trái tim sẽ luôn tỏa sáng trong đời!

Dẫn chứng về sự tử tế – Bài mẫu 2

       Trước tiên, “thế nào là tử tế?”. Đây là vấn đề đáng suy ngẫm và tự mỗi người tìm ra một câu trả lời riêng.

       Giới trẻ ngày nay thường than thở với nhau rằng con người trong xã hội hiện đại ngày càng “sống nhạt”. Sao họ lại cảm thán như vậy? Bởi họ nhìn thấy điều đó từ những hành động, việc làm vô tâm, vô thức của một bộ phận người trong xã hội.

       Ví như, dân ta từ xưa tới nay luôn đề cao truyền thống kính trên nhường dưới, nhưng ta dễ bắt gặp những việc làm trái ngược với truyền thống đạo đức đó. Như trên xe buýt, có những người thấy người già hay trẻ nhỏ phải đứng vì thiếu ghế ngồi, nhưng họ làm lơ, vờ ngủ, nhưng khi bị nhắc nhở, họ quay ra cáu gắt và nói rằng họ lên trước, họ được ngồi.

       Hay một vấn đề nổi cộm khác là tình trạng “đánh hội đồng” vì mọi lý do. Hành động đó là không thể chấp nhận được, nhưng đáng lên án hơn cả là khi mọi người xung quanh không những không can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ và quay clip tung lên mạng xã hội.

       Chính những hành động, việc làm đó đã khiến người ta phải cảm thán rằng “con người ngày càng sống nhạt quá!”.

       Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội vẫn xuất hiện những nghĩa cử cao đẹp, ấm tình người. Trên trang xã hội lớn nhất hiện nay, Facebook, ta thường bắt gặp những hình ảnh một chiến sĩ công an dắt cụ già qua đường; một nhóm mạnh thường quân chia sẻ, kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh éo le, hay vận động hiến máu cứu người,… được mọi người chia sẻ rộng rãi.

       Còn nhiều những hình ảnh ấm áp hơn nữa. Song, có một hình ảnh về những người tử tế mà tôi thấy và để lại trong tâm trí tôi dấu ấn sâu đậm. Đó là trên đường Kim Mã, một bà cụ già yếu với sạp hàng rau đơn sơ ngồi bán trên vỉa hè. Bất chấp mưa gió bụi mờ, hằng ngày, cụ vẫn ngồi đó tới khi trời tối hẳn với gánh rau của mình chỉ mong kiếm thêm chút thu nhập.

       Trong không gian chập choạng tối, dòng xe inh ỏi, tấp nập qua lại, bóng dáng cụ càng trở nên đơn côi hơn bao giờ hết. Trước hình ảnh đó, nhiều người qua đường cố nán lại mua hàng giúp cụ, dù những mớ rau đó không thật tươi ngon. Đôi khi, có những em học sinh đi qua cũng nán lại mời chào, bán hàng, gói hàng cho khách giúp cụ. Nhìn nụ cười móm mém hiền từ của cụ cùng những nụ tươi của những bạn trẻ, khiến ta thêm tin rằng, sự tử tế của mỗi cá nhân rất quan trọng, nhưng sự lan tỏa của nó còn quan trọng hơn gấp bội phần.

Dẫn chứng về sự tử tế – Bài mẫu 3

       Mỗi con sinh ra trong cuộc đời, đều mang trong mình những tính cách, lối sống khác nhau. Nhưng chắc hẳn, ai cũng muốn viết nên một câu chuyện riêng của cuộc đời mình, bằng những yêu thương, hạnh phúc và sẻ chia. Câu chuyện về người anh hùng Nguyễn Ngọc Mạnh trong những ngày gần đây đã mang đến cho mỗi chúng ta nhiều suy nghĩ về hình ảnh/câu chuyện của những NGƯỜI TỬ TẾ trong cuộc sống. Sự việc đã khiến mỗi chúng ta đều cảm động và có thêm những suy nghĩ về lối sống tử tế.

       Người tử tế là người như thế nào? Đó là những người biết đối xử đúng mực với những người xung quanh, biết giữ lời hứa, biết giúp đỡ những người gặp nạn, có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đó cũng là những người có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống văn hóa lành mạnh.

       Trong xã hội của chúng ta đang sống, có rất nhiều người tử tế. Họ có thể ở ngay cạnh bên chúng ta, hay ở bất cứ nơi đâu. Họ cũng giống như chúng ta, những con người bằng xương bằng thịt, cũng sống một cuộc sống như chúng ta. Nhưng nổi bật ở họ là luôn sống một cách có ý thức, có trách nhiệm, có văn hóa, có phẩm chất đạo đức tốt, thương yêu, giúp đỡ con người.

       Trong xã hội với biết bao nhiêu người khó khăn, vất vả. Rất nhiều người bị ảnh hưởng của chất độc da cam do chiến tranh, hững đứa trẻ từ khi sinh ra đã mồ côi, không nơi nương tựa hay những gia đình có hoàn cảnh, bệnh tật chẳng đủ tiền để chạy chữa. Biết bao nhiêu hoàn cảnh khốn khổ, biết bao nhiêu con người phải đau thương. Nếu không có những người tử tế, sẵn sàng hi sinh để giúp đỡ, sẽ chẳng có những cuộc sống bình yên, những mái ấm tình thương được xây dựng.

       Một xã hội không ngừng phát triển và đi lên. Đời sống con người cùng càng ngày càng trở lên ấm no hơn. Con người cũng văn minh hơn, biết suy nghĩ cho người khác, biết cư xử một cách đúng mực, sống và làm việc một cách đúng đắn hơn, mang lại niềm vui cho người khác, cũng là những việc mà những người tử tế muốn làm.

       Có những người thầy, người cô không sợ gian khổ, chuyển công tác về những vùng núi, biên cương, hải đảo để đem cái chữ về cho những đứa trẻ. Dù cuộc sống thiếu thốn gian khổ, nhưng họ vẫn bám trụ, bởi trong họ có niềm kiêu hãnh, tự hào vì bản thân mình đã làm được một việc tử tế, góp một phần vào sự phát triển của đất nước. Việc tử tế, chẳng phải thứ gì quá cao siêu và to lớn. Đôi khi, một hành động nhỏ cũng làm cho chúng ta được xem trọng, được yêu thương: đưa cụ già qua đường nơi giao lộ, nhặt được của rơi trả người mất, giúp người bị tai nạn, hay sẻ chia cho người khác bữa ăn của mình… Tất cả những hành động tuy nhỏ, nhưng cũng mang rất nhiều ý nghĩa.

       Mới đây nhất, câu chuyện về Anh Nguyễn Ngọc Mạnh – một lái xe tải 31 tuổi cứu cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 của chung cư đã khiến mỗi chúng ta đều xúc động. Hình ảnh đó không chỉ khiến mọi người cảm phục về lòng dũng cảm, gan dạ của anh, mà còn tiếp thêm cho mỗi chúng ta niềm tin về sức mạnh của tình yêu thương, sẻ chia hết mình trong cuộc sống.

       Có bao giờ các bạn thử nghĩa rằng, nếu một xã hội không có những người tử tế, đó sẽ là xã hội như thế nào? Một xã hội chỉ biết có bản thân của mỗi cá nhân, không quan tâm tới người khác. Một xã hội thờ ơ với thực tại, thấy người gặp nạn thì lạnh nhạt cho qua, gặp người khó khăn thì hồ nghi về người ấy. Xã hội càng phát triển, con người càng trở lên lạnh lùng hơn hẳn. Biết bao nhiêu người chỉ biết tới bản thân mình, sống một cuộc đời lãnh lẽo, chẳng đối xử tốt với ai, vì sợ bị lợi dụng, sợ không được đền đáp điều gì, chẳng giúp đỡ ai điều gì, vì sợ bị lừa gạt.

       Hạnh phúc trong cuộc sống xuất phát từ những điều nhỏ nhặt nhất. Cho đi và cảm nhận, chúng ta sẽ thấy tâm mình được mình yên thanh thản biết nhường nào. Sống trong một xã hội với vô vàn những hoàn cảnh khác nhau, chúng ta nên sống một cuộc đời đúng nghĩa, hòa nhập, yêu thương, sẻ chia với mọi người. Việc tử tế, chẳng hề khó, và hãy sống như vậy đi, chúng ta sẽ được đền đáp, bằng chính sự nhận xét của những người xung quanh, sự thiện cảm của họ với chúng ta, sự quý mến, yêu thương chúng ta.

       Hãy luôn hướng cho mình một mục tiêu về lẽ sống thiện lương trong cuộc đời. Và hãy sống một cuộc đời tử tế để chúng ta cảm nhận được tình yêu thương luôn ở bên. “Chỉ cần bạn sống tử tế, trời xanh sẽ tự khắc an bài”.

Dẫn chứng về sự tử tế – Bài mẫu 4

       Người ta thường cho rằng trong thời bao cấp, khó tìm thấy nụ cười. Không phải vì người ta quá lo toan cuộc sống mà quên mất nụ cười mà là vì ngày ấy cơ chế xin cho còn quá nặng nề (!) đến mức tìm được một cô mậu dịch viên hay anh nhân viên trực tổng đài điện thoại nói năng dịu dàng còn khó hơn hái sao trên trời. Giờ đây, vào các quán xá, cơ quan(trừ các cơ quan công quyền), công ty, ngân hàng, người ta bắt gặp nhiều nụ cười hơn, có khi cười theo “quán tính”, nhưng cũng vẫn cứ là cười kèm theo những lời chào hỏi ân cần. Sức mạnh của nụ cười và sự niềm nở, theo hai tác giả Linda Kaplan Thaler và Robin Koval, chính là sức mạnh của sự tử tế. Các tác giả dẫn chứng sự lớn mạnh của Tập đoàn The Kaplan Thaler bắt nguồn từ việc ký kết được hợp đồng với một trong những đối tác lớn là US Bank, ngân hàng lớn thứ sáu của Hoa Kỳ. Vào ngày đối tác đến, dù chuẩn bị rất kỹ, họ vẫn cảm thấy lo sợ khi trong chuyến viếng thăm này có ngài Chủ tịch US Bank, Richard Davis. Khi vị chủ tịch bước vào phòng họp cùng đoàn người của ông, ông nhắc ngay đến Frank, nhân viên bảo vệ bên ngoài. Ông nói: “Anh ấy đón tôi nhiệt tình quá. Thế nên tôi chợt nghĩ, sao mình không muốn làm việc với một công ty có những người như Frank chứ?”. Ông ấy nào biết, anh chàng bảo vệ nhiệt tình Frank luôn niềm nở và luôn chúc mọi người khách một ngày tốt đẹp mỗi khi họ đến công ty.

       Dù rằng Davis không chỉ vì anh bảo vệ công ty mà giao kết làm ăn nếu không có ấn tượng về cách làm ăn của Kaplan Thaler Group, thế nhưng công của Frank không phải là nhỏ. Câu chuyện diễn ra tiếp theođược các tác giả ví như chuyện phim Disney với hàng triệu đô la rót vào tài khoản của mình. Khi viết “Sức mạnh của sự tử tế”, họ đã “hoàn toàn không còn tin vào triết lý phổ biến hiện nay là ‘Thật thà thường thua thiệt’” hay “Ở hiền chưa chắc gặp lành”. “Thành công của chúng tôi giành được không phải bằng gươm đao mà bằng hoa và chocolate. Sự lớn mạnh của chúng tôi không phải kết quả của nỗi sợ hãi và sự hăm dọa, mà bằng nụ cười và lời ngợi khen” (trích Sức mạnh của sự tử tế. Cách chinh phụcgiới kinh doanh bằng sự tử tế, Tác giả: Linda Kaplan Thaler và Robin Koval – Dịch giả: Trịnh Ngọc Minh. Nxb Tri Thức).

       Hiệu quả của sự tử tế

       Hiệu quả rõ nhất là The Kaplan Thaler Group đã trở thành một tên tuổi lớn trong ngành quảng cáo với gần một tỷ đô la doanh thu hàng năm. Điều đó khẳng định rằng những người tử tế hiền lành không phải luôn bị xem là những kẻ nhút nhát, thụ động, ba phải; không phải là “tấm thảm chùi chân” cho những người hung hăng. Vì hiền lành không có nghĩa là “ngây ngô” hay “ngớ ngẩn”. Các tác giả khẳng định “Hiền lành là một từ cứng rắn nhất trên đời. Nó có nghĩa là bước tới phía trước với sự tự tin trong sáng đến từ nhận thức, rằng ta phải hết sức nhân hậu và đặt nhu cầu người khác ngang với nhu cầu của chính mình”. Từ đó hãy suy ngẫm những lợi ích mà lòng nhân hậu đem lại (Ở đây, từ kindness được dịch là “nhân hậu” thì sẽ rõ nghĩa và rộng rãi hơn nếu chỉ dịch là “tử tế”):

       Nhân hậu sẽ được hạnh phúc hơn trong tình yêu: Theo nghiên cứu của Đại học Toronto và theo thống kê về số vụ ly hôn thì những người có tính khí không quá sôi nổi và dễ cảm thông với người khác thường có tỷ lệ ly hôn thấp hơn nhiều (50%) so với những người khác.

[external_link offset=2]

       Nhân hậu sẽ làm ra nhiều tiền hơn: Người ta tính chỉ số EQ và thấy rằng nó tương ứng với khả năng tăng thu nhập của công ty. Theo Giáo sư Daniel Golman thì trạng thái tinh thần hứng khởi và hỗ trợ lẫn nhau của nhân viên cứ tăng 2% thì thu nhập tăng 1% (cách tính được ghi lại bởi các nghiên cứu trong tác phẩm Tổng quan về lãnh đạo).

       Nhân hậu sẽ làm khỏe người hơn: Tác giả dựa theo một nghiên cứu của Đại học Michigan cho thấy những người già ở Mỹ nếu chịu khó giúp đỡ người khác, dù là công tác thiện nguyện hay chỉ là giúp hàng xóm láng giềng thì tỷ lệ chết sớm giảm 60% so với những người chẳng bao giờ giúp ai.

Nhân hậu sẽ ít phải ra tòa: Điều này không mới vì có khi nào những người hiền lành lại lao mình vào những cuộc tranh chấp, dù là đất đai, hợp đồng hay va quẹt xe ngoài phố. Họ sẽ nhẫn nhịn xin lỗi và giải quyết ôn hòa. Theo Malcom Gladwell ghi nhận trong Blink: Sức mạnh của việc nghĩ mà không cần suy nghĩ” thì “các bác sĩ chưa bao giờ bị kiện cáo thường nói chuyện với bệnh nhân trung bình lâu hơn ba phút so với những bác sĩ đã ra tòa”.

       Hãy khơi dậy sự tử tế hay lòng nhân hậu

       Người ta nói rằng có một thứ rất quý bạn có thể cho đi mà không sợ phải mất gì trong túi hay tài khoản của mình: lời khen. Thế nhưng người ta vẫn cứ tiết kiệm và bủn xỉn trong việc ban phát những lời khen “miễn phí” ấy. Còn nữa, đâu là nụ cười trong cuộc sống hôm nay khi chúng ta giành nhau từng centimet vỉa hè, khi chúng ta chen chúc trên đường phố, chúng ta chỉ có một gương mặt: cau có và hung bạo (?). Hãy thử nhìn từng đoàn người mỗi buổi chiều nối đuôi nhau trên phố, từng đoàn người sắp hàng trên sân ga, thậm chí cả ở phi trường nơi gồm phần đông là những người khá giả, hãy chỉ ra những cái nhìn bao dung hay nụ cười thân thiện. (?). Ai nấy đều căng thẳng đến nỗi đánh mất cả sự “tử tế” ít ỏi đã được giáo dục một cách “quấy quá” trong chương trình học vốn đã mất cân bằng trầm trọng giữa trí dụcvà đức dục từ lâu (!). Những điều gì này không có gì mới vì tự hơn 2.5oo năm trước, Đức Phật đã dạy “Phàm cái gì mình không ưa, không thích, thì người khác cũng không ưa, không thích: vậy thì tại sao ta lại đem cái mình không ưa, không thích mà tròng vào cổ kẻ khác” (Tăng Nhất A-hàm). Có ai thích bị người khác đối xử tệ bạc, giận dỗi, chỉ trích bao giờ? Theo lập trường “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, Phật đã nêu lên bảy thiện nghiệp của thân và miệng gọi là Tự thông pháp mà Phật giáo đã tóm tắt ý nghĩa trong một bài kệ:

“Tâm rong ruổi tất cả phương hướng

Mà không thấy người nào đáng yêu hơn mình

Như thế người khác cũng cho chính họ là người đáng yêu hơn hết.

Bởi vậy, biết yêu mình thì đừng hại người” 

(Trung A-hàm, Kinh Thiện Sinh).

       Nói cách khác, đó chính là ý nghĩa của Tứ nhiếp pháp mà Phật nhiều lần nhấn mạnh: “Này Gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối với bạn bè như phương Bắc: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Này Gia chủ tử, được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách như vậy, bạn bè có lòng thương kính vị thiện nam tử theo năm cách: Che chở nếu vị thiện nam tử phóng túng, bảo trì tài sản của vị thiện nam tử nếu vị này phóng túng; trở thành chỗ nương tựa khi vị thiện nam tử gặp nguy hiểm; không tránh xa khi vị thiện nam tử gặp khó khăn; kính trọng gia đình của vị thiện nam tử” (Trường bộ, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt).

       Tổ chức, dù lớn hay nhỏ, nếu sống và hành động theo Tứ nhiếp pháp thì sự đoàn kết và cấu trúc sẽ chặt chẽ và tạo nền móng cho sự phát triển vững bền, “như chiếc xe dựa vào sự điều khiển của người xà ích” (Kinh Thiện sinh). Đó chính là điều mà các tác giả Âu Mỹ đang ra sức cổ vũ cho “Sức mạnh của sự tử tế”.

Dẫn chứng về sự tử tế – Bài mẫu 5

       Giới giải trí luôn đầy ắp những cái tên và danh sách những nhân vật giải trí không ngừng được nối dài qua mỗi ngày. Trong đó, có người được khán giả nhớ tới bởi tài năng thực sự, có người rầm rộ gây ấn tượng bởi những bê bối hay những phát ngôn gây sốc. Có những người lại có khả năng lay động, lan tỏa tới toàn thể cộng đồng bằng sự tử tế của mình như MC Phan Anh, một trong năm nhân vật truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất năm 2016 vừa được vinh danh trong đêm Gala Wechoice Award ngày 12/1/2017 tại nhà hát Hòa Bình.

       Vậy sự tử tế là gì và tại sao nó lại có sức lan tỏa mạnh mẽ đến vậy? Xưa nay, có nhiều cách hiểu về sự tử tế. Có thể nói, có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu khái niệm cụ thể về sự tử tế ứng với hoàn cảnh, điều kiện và suy nghĩ riêng của họ. Sự tử tế của một học sinh trong giờ kiểm tra là nghiêm túc và trung thực với bài làm của mình; sự tử tế của một người bán hàng là trung thực đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng; sự tử tế của một doanh nghiệp là làm ăn đường hoàng, không trốn thuế và ý thức được lợi ích lâu dài của cộng đồng, sự tử tế của một quốc gia là giữ chữ tín trước cộng đồng quốc tế, đem lại tri thức và sự phát triển cho cả những quốc gia khác chứ không riêng mình… Hành động quyên góp và tinh thần xả thân vì đồng bào lũ lụt miền Trung của MC Phan Anh chính là sự tử tế. Lòng nhân hậu, tinh thần vì bà con vùng lũ và khao khát kêu gọi sự tử tế của cộng đồng xã hội đã khiến cho MC Phan Anh truyền đi nguồn cảm hứng thiện nguyện tuyệt vời vốn có trong mỗi người. Như vậy, dù bạn là ai, dù bạn đang làm nghề gì, dù bạn bao nhiêu tuổi, bạn có sự tử tế tức là bạn có lòng tốt, sự đường hoàng, lối sống, cách ứng xử vì người khác. Nói cách khác, sự tử tế là một phẩm chất, một giá trị tốt đẹp và nhân văn của con người.

       Giữa cuộc sống hiện đại nhộn nhịp và hối hả, đôi khi con người cảm thấy bất an vì chứng kiến quá nhiều những sự việc không tử tế, cảm thấy tuyệt vọng trước sự vô cảm của những người xung quanh và của chính mình. Nhưng cũng trong cuộc sống này, sự tử tế vẫn luôn tồn tại để xoa dịu nỗi gian truân, chữa lành những vết thương và thắp lên những ngọn lửa hi vọng. Sức mạnh của sự tử tế luôn khiến chúng ta phải kinh ngạc và suy ngẫm. Nhưng vì sao sự tử tế lại có sức mạnh to lớn đến vậy? MC Phan Anh có thể thu hút cả cộng đồng và làm dấy lên trong họ ngọn lửa của sự tử tế có thể vì nhiều lí do như sự nổi tiếng của anh, các mối quan hệ của anh, điều kiện sung túc hơn của anh so với đồng bào nhưng lí do quan trọng nhất và là yếu tố quyết định lại nằm ở sự tử tế của chính anh. Sẽ chẳng bao giờ có một luồng gió thiện nguyện tràn đầy cảm hứng và sức mạnh đến thế nếu xuất phát điểm không phải từ tấm lòng và hành động xả thân của Phan Anh dành cho bà con vùng lũ. Phan Anh cùng tất cả những nhà hảo tâm, những bạn trẻ không chỉ giúp bà con miền Trung bớt đi biết bao nhọc nhằn, khó khăn về vật chất mà còn đem lại cho họ niềm vui, niềm xúc động thực sự khi được đón nhận tình cảm ấm áp của đồng bào cả nước. Vậy là, sự tử tế đem lại sức mạnh cho mỗi cá nhân làm những điều ý nghĩa, lan truyền cảm hứng đến mọi người. Sự tử tế đem lại sức mạnh cho cả cộng đồng vượt qua gian khó. Và sự tử tế đem lại cho toàn xã hội một không khí ấm áp tình người và lòng nhân ái.

       Sự tử tế luôn đem đến những điều tốt đẹp, hữu ích cho con người và luôn vẽ lại cuộc đời nhiều rủi ro, đau khổ bằng những nét vẽ ấm áp, phóng khoáng của lòng tốt và tinh thần hiệp nghĩa. Vậy ai có thể sống và làm được những điều tử tế?

       Lúc nào người ta có thể sống tử tế? Có phải bây giờ, sự tử tế mới có ý nghĩa? Thực ra, sự tử tế đã có từ xa xưa khi cha ông chúng ta biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và biết sống ngay thẳng, tình nghĩa. Ta thấy điều đó trong truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “uống nước nhớ nguồn” từ biết bao đời nay. Vậy ngày nay, phải chăng chỉ những người trưởng thành, những người nổi tiếng, những người giàu có mới làm được điều này? Không! Bất kì ai cũng có thể trở thành một người sống tử tế và lan tỏa sức mạnh ấy mà không bị giới hạn bởi màu da, quốc tịch, độ tuổi, địa vị, nghề nghiệp, sự nổi tiếng hay số dư trong tài khoản ngân hàng. Phan Anh chỉ là một trong vô vàn những ngọn nến lung linh của lòng nhân ái và lối sống tử tế. Thầy giáo – thượng úy Trần Bình Phục trên đảo Hòn Chuối (Cà Mau) vừa chiến đấu với căn bệnh ung thư máu vừa dạy kiến thức, dạy làm người cho những đứa trẻ nghèo với lớp học “hai lưng” kì lạ (thầy dạy cùng lúc nhiều em ở nhiều độ tuổi, nhiều lớp) là một tấm gương về sự tử tế.1 Anh không nổi tiếng, không giàu có và không có cả sức khỏe nhưng đã lay động hàng triệu con tim với lòng nhân hậu của mình “Con người ta khổ nhất không phải là đói ăn, đói mặc mà là đói tri thức. Bọn trẻ ở đây chúng đói tất cả. Vì thế, nhìn chúng, tôi thật sự xót xa. Tôi đã từng trải qua tuổi thơ gian khó nên thấu hiểu những điều mà tụi nhỏ đang đối mặt”. Hay sự tử tế nằm trong từng giọt mồ hôi của cô bé Vũ Thị Hoàng Anh, trường Trung học cơ sở Tam Cường (Hải Phòng) cõng bạn Nguyễn Thị Hảo mắc bệnh xương thủy tinh đi học trong suốt năm năm ròng.

       Tử tế có nhiều biểu hiện, nhiều mức độ, nhiều cách thức vô cùng phong phú và ở biểu hiện nào nó cũng khiến chúng ta lương thiện hơn, tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn từ tận bên trong con người mình. Có tình cảm tử tế đã là điều đáng quý nhưng đáng quý hơn là khi tình cảm ấy trở thành những hành động tử tế, dứt khoát và mạnh mẽ. Tử tế có khi là những điều thật giản dị, là quý trọng thức ăn và ăn hết phần cơm mình đã lấy, là dám nhận cái sai của mình khi phạm lỗi, là giúp cụ già đi qua con đường tấp nập, là giải cứu một chú mèo mắc nạn, là những cuộc đời đầy ý nghĩa như anh thanh niên đo khí tượng sống ở độ cao 2600m trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), là con người trong sạch, yêu nước yêu làng như ông Hai trong truyện ngắn Làng (Kim Lân)… Tử tế có khi là những điều thật vĩ đại, là sự đồng lòng chung sức của nhân dân tiến bộ trên thế giới cùng chống lại chủ nghĩa phát xít trong thế chiến thứ hai, là hành động hiệp nghĩa của dân tộc Việt Nam khi giúp nhân dân Cam-pu-chia lật đổ ách thống trị bạo tàn của chế độ diệt chủng Pôn-pốt, là những nỗ lực xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Martin Luther King… Nhưng bao giờ cũng vậy, khi sự tử tế không phải của một cá nhân mà là của tập thể, cộng đồng, quốc gia, và quốc tế… sức mạnh của nó sẽ trở nên kì diệu và phi thường. Và chính các bạn học sinh, cho dù còn nhỏ tuổi, hoàn toàn có thể làm được những điều tử tế bằng những hành động cụ thể và ý nghĩa như tự lập trong sinh hoạt cá nhân, giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà, quan tâm tới người thân, giúp bạn chép bài khi bạn đau ốm… Bên cạnh sự tử tế dành cho cộng đồng xung quanh, con người cũng cần tử tế với chính mình. Thấu hiểu ước vọng của mình, trung thực với mình và dám hành động vì những điều chính đáng của mình là một số cách giúp chúng ta sống đẹp với bản thân. Tử tế với mình, sống tốt với người là cả một bản lĩnh sống. Tử tế phải trở thành tiêu chí hàng đầu để nhìn nhận một con người, nói như trong phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy: “Từ xa xưa cha bác có dạy rằng, tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc làm người, người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm”.

       Để sống và làm được những điều tử tế, con người phải chiến đấu với sự ích kỉ, nỗi sợ hãi và sự vô cảm trong chính mình. Như MC Phan Anh và biết bao người tử tế khác đã trải nghiệm và nhận ra “Chúng ta thường nghĩ rằng mình bỏ quên sự tử tế, bỏ quên lòng tốt ở đâu đó. Hóa ra nó vẫn ở ngay trong mọi người và chỉ cần có dịp thôi là nó bùng lên mạnh mẽ”. Cùng sống tử tế, chúng ta nhất định sẽ gặp được nhau trên mảnh đất có tên là hạnh phúc.

—/—

Trên đây là các bài văn mẫu Dẫn chứng về sự tử tế do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất! [external_footer]

Xổ số miền Bắc