Xét nghiệm CRP là gì và có vai trò thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà – Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh – Khoa Xét nghiệm – Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Phản ứng viêm là phản ứng của cơ thể trước tình trạng bị tổn thương. Xét nghiệm CRP là xét nghiệm định lượng Protein phản ứng C trong máu. Xét nghiệm CRP chủ yếu giúp đánh giá mức độ viêm và theo dõi đáp ứng điều trị của các bệnh lý nhiễm trùng.

1. CRP là xét nghiệm gì?

Protein phản ứng C hay C – reactive protein (CRP) là một glycoprotein được sản xuất chủ yếu bởi gan. Bình thường không thấy protein này trong máu hoặc xuất hiện với nồng độ rất thấp. Tình trạng viêm cấp tính, phá hủy mô trong cơ thể sẽ kích thích sản xuất protein phản ứng C và làm tăng nhanh nồng độ protein này trong huyết thanh. Xét nghiệm định lượng CRP huyết thanh là xét nghiệm định lượng Protein phản ứng C trong máu.

Chỉ số CRP điển hình sẽ tăng trong vòng 6 giờ kể từ khi có tình trạng viêm. Điều này cho phép bác sĩ có thể xác định tình trạng viêm sớm hơn so với sử dụng xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu (xét nghiệm máu lắng) thường tăng sau khi tình trạng viêm xảy ra khoảng một tuần. Giá trị của CRP cũng không chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi globulin máu và hematocrit nên có giá trị chẩn đoán khi nồng độ globulin hoặc hematocrit máu thay đổi.

CRP là xét nghiệm gì

2. Chỉ định thực hiện xét nghiệm CRP

  • Kiểm tra tình trạng nhiễm trùng hậu phẫu: Nồng độ CRP thường tăng trong khoảng 2 – 6 giờ sau phẫu thuật và sẽ giảm xuống vào ngày thứ 3 sau mổ. Nếu nồng độ CRP tăng kéo dài hơn 3 ngày sau phẫu thuật, tình trạng nhiễm trùng mới có thể đã xuất hiện.
  • Xác định, phát hiện nhiễm trùng và các bệnh lý gây viêm như: ung thư hạch bạch huyết, bệnh của hệ thống miễn dịch (lupus), viêm và xuất huyết ruột, viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng xương (viêm tủy xương).
  • Đánh giá khả năng đáp ứng điều trị, đặc biệt là điều trị ung thư hay điều trị nhiễm trùng. Nồng độ CRP sẽ tăng lên nhanh và giảm xuống bình thường nhanh nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với việc điều trị.

3. Yếu tố ảnh hưởng tới xét nghiệm CRP

  • Nồng độ CRP cao thường gặp ở bệnh nhân huyết áp cao, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, mắc hội chứng chuyển hóa chất/đái tháo đường, nhiễm trùng mạn tính (viêm phế quản, viêm lợi), viêm mãn tính (như viêm khớp dạng thấp) và nồng độ HDL thấp, triglyceride cao.

CRP là xét nghiệm gì

  • Nồng độ CRP có thể tăng khi phụ nữ bước sang giai đoạn sau của thai kỳ, sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone.
  • Nồng độ CRP cao ở người béo phì.
  • Hút thuốc lá có thể làm tăng nồng độ CRP.
  • Nồng độ CRP thấp có thể do uống bia rượu vừa phải, sụt cân và hoạt động nhiều, tập thể dục lâu dài.
  • Thuốc bổ sung estrogen và progesterone có thể làm tăng nồng độ CRP.
  • Thuốc fibrate, niacin và statin có thể làm giảm nồng độ CRP.

4. Quy trình thực hiện kỹ thuật xét nghiệm CRP

  • Bệnh nhân không cần kiêng ăn, uống trước khi thực hiện xét nghiệm. Đôi khi, một số bệnh nhân cũng có thể được bác sĩ yêu cầu kiêng ăn 4 – 12 tiếng trước khi tiến hành tùy thuộc vào phòng xét nghiệm.
  • Nhân viên y tế lấy máu của bệnh nhân.
  • Sau khi lấy máu, bệnh nhân cần băng, ép lên vùng chọc tĩnh mạch lấy máu để giúp cầm máu

CRP là xét nghiệm gì

Xét nghiệm định lượng CRP đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán các bệnh lý viêm, theo dõi lành vết thương, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ các bệnh lý tim mạch. Vì vậy, nếu có dấu hiệu viêm nhiễm hoặc có nguy cơ bệnh lý tim mạch, bệnh nhân nên sớm tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm nồng độ CRP và kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số (phím 0 để gọi Vinmec) hoặc đăng ký lịch khám tại viện TẠI ĐÂY. Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn

Source: https://mix166.vn
Category: Hỏi Đáp

Xổ số miền Bắc