Tết tây, Tết ta, Tết của người ta – Báo Đồng Nai điện tử

Chuyện cuối tuần

Ngày 1-1-2023 là Tết rồi, tên gọi Tết Dương lịch, tục gọi Tết Tây. Vậy, Tết Tây là gì? Nguồn gốc ra sao?  Khác với Tết ta thế nào?

Dân gian gọi Tết Dương lịch là Tết Tây, chắc là do người phương Tây – người Pháp mang đến theo con đường “cai trị” Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới lấy ngày 1-1 hàng  năm làm ngày Tết đầu năm mới, theo lịch Gregorius cũng như lịch Julius. Có người cho rằng, Tết Dương lịch bắt nguồn từ Cơ đốc giáo với cột mốc năm đầu Công nguyên. Thực ra, ở giai đoạn tiền Cơ đốc giáo – trước Công nguyên, theo lịch Julius, ngày Tết đầu năm đã được nhắc đến gắn với vị thần tháng Giêng mang tên Janus (nguồn gốc tên của tháng đầu năm January). Sau nhiều lần, nhiều nơi và nhiều năm đổi thay các cột mốc thời gian; nhất là sau đợt lấy ngày January Kalends làm ngày Tết tấn phong các quan chấp chính vào năm 153 trước Công nguyên; các nước trên thế giới chọn ngày Tết trong năm có khác nhau. Đến năm 1852, Giáo hoàng Gregory XIII mới ấn định ngày Tết Tây lịch (còn gọi Tết Công lịch) như ngày nay.

Tục Tết Tây của người phương Tây thường gắn với lễ trọng của người Cơ đốc giáo, mừng năm mới bằng tiệc, bằng quà trao đổi trong suốt 12 ngày mùa Giáng sinh. Tết Tây để mừng năm mới, thực là để nghỉ ngơi, thư giãn, tái sản xuất sức lao động, bắt đầu một chu kỳ làm việc mới.

Người Ta quen dần với Tết Tây, có người sùng bái phương Tây nên kiến nghị bỏ Tết Ta, theo Tết Tây; viện lý do nghe cũng bùi tai: Chống lãng phí lao động, tiết kiệm thời gian, thuận đường hội nhập quốc tế. Đề nghị này làm dậy sóng dư luận, tranh cãi tưng bừng trên giấy, trên mạng, ở bàn nhậu, thậm chí trên giường; người theo không ít, người chống rất nhiều. Đến nay, tranh luận tạm giảm nhiệt, chưa hẳn đã nguôi ngoai.

 Mỗi người đều có quyền nêu ý kiến và biện luận của mình. Nhưng theo Tây mà bỏ Tết Ta thì buồn quá, uổng quá, mà cũng không dễ bỏ được. Vì ngày Tết không phải chỉ để ăn, nghỉ. Mọi dân tộc đều có tục lệ ngày Tết biểu đạt văn hóa của dân tộc mình, cốt cách của quốc gia mình. Từ lúc thực dân Pháp cai trị, thế sự đảo điên, văn hóa bị biến đổi, có cụ thâm Nho có nhãn quan chính trị thấy dùng lịch theo Tây “Ngày Ta nằm dưới đít ngày Tây” thì bực lắm, tức lắm, cay đắng lắm!

Thời nay, thôi không chính trị hóa ngày Tây, ngày Ta; nhưng mở lòng hội nhập mà nghĩ thì Tết Ta có tội tình gì mà phải bỏ; thậm chí càng phải trân trọng giữ gìn bản sắc. Bởi vì, ông bà ta đã tạo dựng, vun đắp nó bằng khối óc và trái tim của bao thế hệ, trong nghèo khó, trong kháng chiến; trao truyền đời đời xuyên qua dông bão và bom đạn. Ngày Tết là ngày của sum vầy, biểu lộ tinh thần dân tộc, bản sắc văn hóa, hội ngộ gia đình, tri ân tổ tiên, nối nhịp người chết và kẻ sống, chia sẻ cộng đồng, nghĩa tình đồng loại; già trẻ, gái trai đều vui, nhà nhà ấm lửa, người người tươi mới, vui tài giải trí, khoe tài bếp núc. Đó cũng là những ngày người lao động được nghỉ ngơi, vui bụng, ngon miệng để tái sản xuất sức lao động, như Tết của phương Tây. Điều ấy hợp lý và mang tính nhân văn sâu sắc. Cái máy nạp năng lượng chạy hoài cũng có lúc phải nghỉ ngơi mà!

Chỉ có điều, Tết Ta dài quá! Người của Ta vui Tết quá đà, lãng phí thời gian, tổn hao sức khỏe, đam mê trò vui, sa đà tệ nạn, trở ngại sản xuất công nghiệp. Ấy là điều đáng tiếc, đáng phải điều chỉnh.

Vậy, ứng xử sao đây? Tại sao lại bỏ cái này để theo cái kia? Dân ta có cái hay về văn hóa: Bổ sung chứ không phải thay thế. Vấn đề là điều chỉnh Tết Ta để giữ gìn bản sắc, nạp thêm Tết Tây để tích hợp tinh hoa. Có cả Tết Ta, Tết Tây thì có sao đâu?

Vậy, Tết của những dân tộc khác thì sao? Trên thế giới, không chỉ có Tết Ta, Tết Tây. Mỗi dân tộc có cách chọn lựa và thực hiện Tết theo quan niệm và cách thức của mình.

Tết Ta nằm trong hệ văn hóa Đông Nam Á và châu Á. Nhưng một số nước cùng hệ văn hóa khu vực này có Tết không hoàn toàn giống nhau. Người Iran/Ba Tư ở châu Á có Tết theo lịch Ba Tư với lễ truyền thống Nowrus vào ngày Xuân phân của Bắc bán cầu, thường vào đúng hoặc gần ngày 21-3 hàng năm.

Người Khmer nặng lòng với nông nghiệp cầu mưa, Tết Chol Chnam Thmay thường vào dịp đầu mưa 13 và 14 tháng Tư âm lịch. Người Thái cũng vậy, Tết Songkran cũng dịp giữa tháng Tư âm lịch với các tục liên quan đến mừng nước, như tục té nước cầu may.

Các dân tộc ở châu Phi thường tổ chức Tết “Năm mới của châu Phi” với lễ hội Odunde vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng 6 hàng năm. Có nơi dường như không có Tết, đó là Congo, nên dân gian thường nói vui “Đợi đến Tết Congo”!

Đâu phải chỉ có Tết Tây là chuẩn, là duy nhất. Nhiều dân tộc có Tết khác nhau. Tất thảy đều cần được tôn trọng; tôn trọng cách chọn lựa và cách thực hiện. Nước ta đang hội nhập thế giới, người của hơn 100 nước thường xuyên có mặt, thường có Tết của dân tộc mình trên đất nước Việt Nam. Thái độ hành xử nhân văn nhất của người Việt ta là tôn trọng, chia sẻ, giúp đỡ và cùng vui. Mọi việc phân biệt đối xử, xem thường, phỉ báng đều là trái đạo lý, trái pháp luật.

Nói dông dài Tết Tây, Tết Ta và Tết người khác, cuối cùng thì ứng xử cá nhân thế nào về Tết Tây này và Tết Ta sắp đến? Mọi Tết đều liên quan đến vợ. Vợ không phải là Ta nên phải tổ chức Tết Tây. Đến Tết Nguyên Đán, vợ không phải là Tây nên phải có Tết Ta!

Ong Mật

Xổ số miền Bắc