SẮC LỆNH ĐẶT CHẾ ĐỘ GIỮ GÌN BÍ MẬT QUỐC GIA – Chi cục Văn thư, Lưu trữ tỉnh Hà Giang

Thứ năm – 30/12/2021 10:17

Sắc lệnh số 69-SL ngày 10/12/1951 quy định chế độ giữ gìn bí mật quốc gia là Sắc lệnh quan trọng, tạo cơ sở cho việc xây dựng pháp luật và là cơ sở pháp lý để tiến hành công tác bảo vệ bí mật quốc gia.

     Bí mật quốc gia về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng… là tài sản đặc biệt thuộc sở hữu nhà nước do Nhà nước quản lý, nắm giữ, bảo vệ, khai thác hoặc chuyển giao để phục vụ cho hoạt động đối nội, đối ngoại của đất nước, có liên quan đến vận mệnh quốc gia, sự tồn vong của dân tộc. Vì vậy, giữ gìn bí mật quốc gia luôn là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức và của công dân. Giữ gìn bí mật quốc gia có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm nền chính trị vững mạnh, trật tự an toàn ổn định chính trị, phát triển xã hội.

     Trong giai đoạn nhân dân ta tiến hành công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, để thực hiện nhiệm vụ của cách mạng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và các văn bản hướng dẫn thi hành, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Đặc biệt, ngày 10/12/1951, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký ban hành Sắc lệnh số 69-SL quy định về chế độ giữ gìn bí mật quốc gia.
 

Sắc lệnh số 69-SL ngày 10/12/1951 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh về chế độ giữ gìn bí mật quốc gia.(1)
 
     Mục đích của việc ban hành Sắc lệnh số 69-SL là: “Giữ bí mật quốc gia, ngăn ngừa địch và tay sai của chúng dò xét, đánh cắp bí mật quốc gia; Đặt nhiệm vụ cho bộ đội, cơ quan, cán bộ, các đoàn thể, các báo chí và nhân dân phải giữ gìn bí mật quốc gia”.

     Theo Sắc lệnh số 69-SL, “Bí mật quốc gia là những việc, những tài liệu, những địa điểm và những điều gì mà để tiết lộ ra thì có hại cho ta, có lợi cho địch”.

     Sắc lệnh số 69-SL quy định ai vi phạm vào một trong những tội dưới đây sẽ bị truy tố trước tòa án như tội phản quốc: Cố ý tiết lộ, hoặc bán bí mật quốc gia cho địch, hay là cho tay sai của địch; Lợi dụng bí mật quốc gia để đầu cơ lấy lợi; Dò xét bí mật quốc gia, mua, lấy cắp những tài liệu bí mật quốc gia. Sắc lệnh cũng quy định rõ ai có một trong những thành tích dưới đây sẽ được khen thưởng: Trong khi nguy nan không chịu khuất phục địch, giữ gìn được bí mật quốc gia; Gặp trường hợp khó khăn không sợ nguy hiểm, giữ kín được bí mật quốc gia; Tìm ra và bắt được những vụ tiết lộ, lợi dụng, dò xét, lấy cắp, mua, bán bí mật quốc gia; Thấy người khác để mất hoặc để tiết lộ bí mật quốc gia mà kịp thời cứu chữa.

     Thi hành Sắc lệnh số 69-SL nói trên, Nghị định số 136-TTg ngày 10/12/1951 của Thủ tướng Chính phủ đã ấn định: Phạm vi bí mật quốc gia; Nhiệm vụ cụ thể của bộ đội, cơ quan, cán bộ, các đoàn thể, các báo chí và nhân dân về việc giữ gìn bí mật quốc gia; Tổ chức việc giữ gìn bí mật quốc gia.
 

Nghị định số 136-TTg ngày 10/12/1951 của Thủ tướng Chính phủ về ấn định phạm vi bí mật và qui mô tổ chức việc giữ gìn bí mật Nhà nước.(2)

 

     Điều 1, Nghị định 136 TTg ngày 10/12/1951 của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ: Phạm vi bí mật quốc gia gồm từ quân sự đến kinh tế tài chính, từ các kế hoạch lớn của quốc gia cho đến tài liệu, con số, biểu đồ, hành trình, địa điểm. Bất cứ ở ngành nào, cơ quan nào, cấp nào và bất cứ ở trong công việc nào cũng có bí mật quốc gia cần phải giữ kín.

 

     Điều 2, Nghị định nói trên nêu rõ: Giữ bí mật quốc gia trước hết là nhiệm vụ của những người phụ trách các cơ quan quân, dân, chính. Đó cũng là nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, nhân viên của chính quyền, của quân đội, của toàn thể, của các báo chí, và nói chung là nhiệm vụ của toàn thể nhân dân. Giữ gìn bí mật là một bộ phận quan trọng của việc bảo vệ chính quyền, bảo vệ cách mạng, bảo vệ kháng chiến. Vì vậy, trong cơ quan chính quyền các cấp, trong các cấp quân đội, trong các cơ quan đoàn thể, báo chí, trong trường học, công xưởng, xí nghiệp, hầm mỏ, kho tàng, v.v… phải lập ra tổ chức gìn giữ bí mật và định một chế độ giữ gìn bí mật chặt chẽ.

 

   

 Tiếp theo Thông tư 137-TTg ngày 10/12/1951 của Thủ tướng Chính phủ về giải thích và định thể thức thi hành Sắc lệnh số 69-SL và Nghị định 136: Giữ gìn bí mật quốc gia là một công việc trọng yếu để đấu tranh với địch. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ngày càng tăng cường chiến tranh gián điệp, chúng ta phải đề cao tinh thần cảnh giác của cán bộ và nhân dân, tổ chức sự giữ gìn bí mật quốc gia chống tay sai của địch, chống bọn phản cách mạng, phản kháng chiến, do thám phá hoại.

 

 

Thông tư số 137-TTg ngày 10/12/1951 của Thủ tướng Chính phủ về giải thích và định thể thức thi hành Sắc lệnh số 69-SL và Nghị định 136. (3)
 

     Trải qua các giai đoạn khác nhau, Nhà nước ta đều ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước phù hợp với đặc điểm của tình hình và nhiệm vụ của cách mạng trong từng giai đoạn, như: Pháp lệnh số 62-LCT/HĐNN8 ngày 28/10/1991; Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH ngày 28/12/2000 về bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật số 29/2018/QH14 ngày 15/11/2018 và nhiều văn bản hướng dẫn về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước.

     Có thể nói, Sắc lệnh số 69-SL ngày 10/12/1951 quy định chế độ giữ gìn bí mật quốc gia là Sắc lệnh quan trọng, tạo cơ sở cho việc xây dựng pháp luật và là cơ sở pháp lý để tiến hành công tác bảo vệ bí mật quốc gia.

     Bản gốc của Sắc lệnh này đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, Mục lục 01, Hồ sơ 11. Sắc lệnh có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

————————–

Chú thích:
1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, Mục lục 01, Hồ sơ 11, tờ số 113-114.
2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, Mục lục 01, Hồ sơ 1212, tờ số 98-99.
3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, Mục lục 01, Hồ sơ 1212, tờ số 100-103.

 

 

Xổ số miền Bắc