Quy chế Văn hóa doanh nghiệp VINACONEX 1 :: Quy chế văn hóa VINACONEX 1

TỔNG CTY CP XNK & XÂY DỰNG VIỆT NAM

(VINACONEX.,JSC)

CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SỐ 1

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——— o0o ——–

Hà Nội, ngày20tháng 10năm 2007

QUY CHẾ

VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP TẠI

CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SỐ 1 – VINACONEX 1

(Ban hành kèm theo Quyết địnhsố 1562 QĐ/CT-1- HĐQT ngày20tháng 10năm 2007 )


Lời nói đầu

Văn hoá doanh nghiệp VINACONEX 1 (trong quy chế này gọi là văn hoá doanh nghiệp) là những đặc trưng cơ bản, những chuẩn mực hành vi chung nhất mà tất cả những người đang làm việc tại Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 phải tuân theo. Nó thể hiện bản sắc của doanh nghiệp, là niềm tự hào của cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 – VINACONEX 1 để họ gắn bó và cống hiến hết mình vì Công ty.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi và đối tượng thực hiện

Quy chế này quy định những chuẩn mực văn hoá những đối tượng sau đây khi thi hành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của Công ty phải thực hiện:

1. Cán bộ, nhân viên cơ quan Công ty;

2. Cán bộ, nhân viên các đơn vị trực thuộc Công ty;

3. Công nhân trực tiếp sản xuất ở công trường, nhà máy và các bộ phận sản xuất khác của Công ty.

Điều 2: Nguyên tắc thực hiện văn hoá doanh nghiệp

Việc thực hiện văn hoá doanh nghiệp tuân thủ các nguyên tắc sau đây :

1. Phù hợp với truyền thống văn hoá, mỹ tục và bản sắc văn hoá dân tộc và điều kiện thực tiễn kinh tế – xã hội.

2. Phù hợp với các quy định của pháp luật và các quy chế, quy định quản lý, điều hành Công ty.

3. Phù hợp với chiến lược phát triển Công ty và định hướng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công, nhân công ty trước mắt và lâu dài.

Điều 3: Mục tiêu của thực hiện văn hoá doanh nghiệp

1. Đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh.

2. Xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, nhân viên cơ quan Công ty, các bộ, nhân viên các đơn vị trực thuộc với khách hàng, với đội ngũ công nhân lao động của Công ty và từng cán bộ, công nhân viên với nhau, tạo ra một đội ngũ người lao động mang tính chuyên nghiệp cao, có phẩm chất đạo đức tốt, đạt hiệu quả cao trong lao động và sản xuất.

Điều 4: Lô gô, cờ, thông tin quảng cáo

1. Lô gô của Công ty:

2. Cờ doanh nghiệp: Màu xanh nước biển có Lô gô Công ty.

3. Lô gô và cờ của Công ty chỉ được sử dụng vào các mục đích của Công ty, không được sử dụng vào mục đích nào khác.

4. Mỗi đơn vị trực thuộc và cán bộ, nhân viên Công ty phải tôn trọng, có ý thức bảo vệ lô gô, cờ Công ty và những thành quả, những giá trị của Công ty.

Điều 5: Các hành vi bị cấm

1. Hút thuốc lá tại nơi làm việc, hội họp.

2. Sử dụng chất ma tuý trong bất kỳ trường hợp nào.

3. Sử dụng đồ uống có cồn tại cơ quan Công ty, nơi làm việc của đơn vị trực thuộc, các công trường, nhà máy, đơn vị sản xuất khác của Công ty trừ trường hợp được sự đồng ý của Lãnh đạo Công ty vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách.

4. Sử dụng phương tiện làm việc của Công ty vào các mục đích cá nhân.

5. Tụ tập đông người để tán chuyện, gây rối làm mất an ninh, trật tự nơi làm việc.

6. Nói tục, chửi bậy tại nơi làm việc.

7. Thái độ hống hách, quát nạt, gây phiền hà trong giao tiếp và ứng xử.

CHƯƠNG II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC I: LỄ PHỤC, TRANG PHỤC

Điều 6: Lễ phục

Lễ phục của cán bộ, công nhân viên là trang phục chính thức được sử dụng trong các nghi lễ chính thức, trong các cuộc họp trọng thể, tiếp khách, đối ngoại:

1. Lễ phục của nam: Bộ Complê, áo sơmi, cà vạt.

2. Lễ phục của nữ: Áo dài truyền thống, hoặc bộ Complê nữ.

3. Phù hiệu.

Điều 7: Trang phục

1. Đối với cán bộ, nhân viên làm việc thường xuyên ở cơ quan Công ty và các đơn vị trực thuộc, trang phục phải lịch sự, gọn gàng hoặc mặc đồng phục theo quy định (nếu có); không mặc áo phông, trang phục loè loẹt; không đi dép lê khi làm việc.

2. Đối với cán bộ, kỹ sư, nhân viên và công nhân trực tiếp chỉ đạo hoặc sản xuất ở các công trình, nhà máy của Công ty, trang phục bảo hộ lao động theo quy định. Trên trang phục có gắn lô gô và tên Công ty.

Điều 8: Thẻ cán bộ, công nhân viên

1. Cán bộ, nhân viên cơ quan Công ty phải đeo thẻ trong khi làm việc.

2. Cán bộ, công nhân Công ty làm việc trong các nhà máy, công trường phải mang thẻ trong khi thi hành nhiệm vụ.

3. Thẻ cán bộ, công nhân có tên cơ quan, họ tên, ảnh, chức danh, số hiệu của cán bộ công nhân.

4. Giám đốc Công ty quy định cụ thể từng loại thẻ cán bộ, công nhân.

MỤC II: GIAO TIẾP, ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ CÔNG NHÂN VIÊN

Điều 9: Giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công nhân viên Công ty

1. Trong khi làm việc phải tuân thủ nghiêm túc nội quy, các quy chế của Công ty, và các quy định pháp luật.

2. Trong giao tiếp, ứng xử phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, phải có thái độ tôn trọng, lịch sự, ngôn ngữ giao tiếp phải mạnh lạc, rõ ràng. Khi giao tiếp với người nước ngoài, nếu không thông thạo ngôn ngữ thì phải sử dụng phiên dịch do Công ty bố trí.

Điều 10: Những quy định cụ thể về giao tiếp, ứng xử

1. Đối với khách hàng:

Giao tiếp ứng xử khi làm việc với khách hàng tôn trọng, lịch sự với khách hàng, bảo vệ được thương hiệu Công ty, làm hài lòng khách hàng và phải được chuẩn bị chu đáo, cụ thể, có nội dung thiết thực.

2. Đối với cấp dưới:

Cấp trên khi giao tiếp với cấp dưới phải nhã nhặn, chân thành, thẳng thắn, lắng nghe và tiếp thu ý kiến với tinh thần cầu thị. Khi cần hướng dẫn hoặc giải thích thì nội dung giải thích, hướng dẫn phải rõ ràng, cụ thể và đúng các quy định về nội dung liên quan đến công việc.

Phải có thái độ khôn khéo, kiên quyết khi xử trí những trường hợp nhạy cảm.

3. Đối với đồng nghiệp:

Trong giao tiếp ứng xử phải trung thực, thân thiện hợp tác giúp đỡ lẫn nhau.

4. Đối với cấp trên:

Trong giao tiếp ứng xử phải đúng mực, lễ phép.

5. Đối với nhân dân:

Trong giao tiếp phải nhã nhặn, lịch sự, lắng nghe nguyện vọng, ý kiến của nhân dân; hướng dẫn, giải thích rõ ràng các nội dung liên quan đến công việc đang tiến hành giải quyết.

Điều 11: Ứng xử giao tiếp trên điện thoại, thư điện tử, trên các phương tiện truyền thông khác

Cán bộ, công nhân, nhân viên Công ty khi sử dụng điện thoại (cố định, di động), thư điện tử hoặc các phương tiện truyền thông khác để giao dịch phải nhã nhặn, lịch sự và tôn trọng người đối thoại, phải xưng rõ tên, chức danh của mình. Trong quá trình giao dịch phải lựa chọn thông tin chính xác, trung thực và đẩy đủ để có được kết quả giao dịch tốt nhất, không được tự động cắt điện thoại đột ngột khi đang đàm thoại.

MỤC III: THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, CÔNG TÁC ĐƯỢC GIAO

Điều 12: Thời gian làm việc

1. Tuỳ theo mùa và điều kiện làm việc cụ thể, Giám đốc Công ty quy định thời gian làm việc và nghỉ ngơi cụ thể theo đúng quy định của Bộ luật lao động.

2. Một ngày làm việc phải đảm bảo thời gian làm việc hiệu quả là 8 giờ, một tuần tối thiểu phải làm việc 44 giờ.

Điều 13: Trong quá trình thao tác sản xuất và nghiệp vụ

1. Cán bộ, công nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung sức lực và trí tuệ vào công việc được phân công và không làm việc riêng.

2. Phải có tinh thần hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, khi thực hiện công việc phải đúng quy trình và thao tác nghiệp vụ đã được quy định.

3. Khi làm việc với cấp trên phải báo cáo trung thực, chính xác, rõ ràng và phải có sự chuẩn bị trước, không được tự ý bóp méo sự thật, xuyên tạc thực tế để mưu lợi cá nhân.

4. Tôn trọng cấp trên, khi gặp cấp trên, chủ động chào hỏi trước, ở vị trí cấp dưới khi đến làm việc với cấp trên gặp trường hợp cấp trên đang làm việc với đối tác hoặc người khác có vị trí cao hơn mình không được tự ý xen ngang, nói trước khi được hỏi; trong trường hợp có việc cần kíp phải xin phép cấp trên cho phép trình bày trước, khi cho phép mới được báo cáo và xin ý kiến.

5. Trong các cuộc giao dịch, đám phán với đối tác, ở vị trí cấp dưới không được tự ý nói xen ngang, nói trước khi được hỏi; trong trường hợp có việc cần kíp phải xin phép cấp trên cho phép trình bày, khi cho phép mới được phát biểu ý kiến đàm phán.

6. Trong các cuộc họp nội bộ, từng thành viên có ý kiến theo sự điều hành của chủ toạ, không nói xen, nói đệm; không được tự ý phát biểu trong khi người khác trình bày.

7. Đảm bảo vệ sinh công nghiệp và vệ sinh môi trường, phòng làm việc phải gọn gàng sạch sẽ.

8. Thực hành tiết kiệm.

CHƯƠNG III

BÀI TRÍ NƠI LÀM VIỆC

MỤC I: TREO QUỐC KỲ, ĐẢNG KỲ, CỜ DOANH NGHIỆP

Điều 14: Treo quốc kỳ, Đảng kỳ, cờ doanh nghiệp

1. Treo cờ:

a) Tại cơ quan công ty:

Treo Quốc kỳ vào các dịp sau:

– Thứ hai hàng tuần;

– Các ngày lễ theo quy định của Nhà nước và Thành phố Hà Nội.

– Các dịp hội nghị của Công ty, Tổng Công ty;

– Kỷ niệm thành lập ngành, Tổng Công ty và Công ty.

b) Treo Đảng kỳ:

– Ngày lễ thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày Quốc khánh và các ngày Đại hội Đảng Công ty, Tổng Công ty, Thành phố Hà Nội và Đại hội Đảng toàn quốc.

c) Treo cờ Doanh nghiệp:

– Hàng ngày.

– Tại các đơn vị và các công trường quan trọng do Công ty, Tổng Công ty đầu tư hoặc nhận thầu: Sẽ có quy định cụ thể.

2. Vị trí treo cờ:

Cờ được treo ở vị trí trang trọng.

MỤC II: BÀI TRÍ NƠI LÀM VIỆC

Điều 15: Biển tên cơ quan

1. Biển tên Công ty :

– Biển tên Công ty có nội dung: Công ty Cổ phần Xây dựng số – VINACONEX 1 được ghi rõ ràng bằng tiếng Việt, tên giao dịch bằng tiếng Anh và có đầy đủ địa chỉ cơ quan, số điện thoại, số Fax.

– Biển tên Công ty được đặt tại cổng chính Công ty.

2. Biển tên các đơn vị trực thuộc Công ty

– Biển tên các đơn vị trực thuộc Công ty có nội dung: Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 -VINACONEX 1, tên đơn vị trực thuộc, địa chỉ, số điện thoại, Fax.

– Biển tên các đơn vị trực thuộc được đặt ở vị trí trang trọng trong khu vực đặt trụ sở hoặc cơ sở giao dịch chính.

3. Biển quảng bá doanh nghiệp tại các dự án

– Tại các dự án Công ty làm chủ đầu tư hoặc nhận thầu phải có biển quảng bá Công ty. Biển quảng bá Công ty có các nội dung sau: Tổng Công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam; Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 – VINACONEX 1, Lô gô Công ty, Tên dự án, địa vị Công ty tại dự án, địa chỉ dự án, địa chỉ và số điện thoại, số Fax, E.mail Công ty.

– Kích thước, chất liệu, nội dung chi tiết vị trí đặt từng biển quảng bá do Giám đốc Công ty quy định cụ thể.

Điều 16: Phòng làm việc

1. Phòng làm việc của cán bộ, nhân viên cơ quan Công ty và các đơn vị trực thuộc phải có biển ghi tên phản ánh đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của phòng và đơn vị. Đối với phòng làm việc của cán bộ từ Kế toán trưởng, Phó Giám đốc trở lên phải ghi đầy đủ họ tên, chức danh cán bộ.

2. Trong phòng làm việc đảm bảo sắp xếp bàn ghế, tài liệu, phương tiện làm việc gọn gàng ngăn nắp thuận tiện cho công tác. Từ chức danh Đội trưởng, Trưởng phó phòng Công ty trở lên có biển chức danh, họ tên cán bộ đặt trên bàn làm việc.

3. Không thắp hương, không lập bàn thờ trong phòng làm việc.

Điều 17:Khu vực để phương tiện giao thông

1. Cơ quan Công ty bố trí khu vực để phương tiện giao thông (xe ô tô con, xe máy, xe đạp và phương tiện giao thông khác) cho cán bộ, công nhân viên Công ty và khách đến giao dịch công tác.

2. Nơi để xe phải đảm bảo an toàn, trật tự và đảm bảo tuyệt đối các quy định về phòng chống cháy nổ.

3. Không thu phí trông giữ xe của cán bộ, công nhân viên và khách đến làm việc.

CHƯƠNG IV

ỨNG XỬ CỦA CÔNG TY ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN

Điều 18: Thực hiện các chế độ, chính sách

Công ty cónghĩa vụ thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách và các quy định khác của pháp luật đối với cán bộ, công nhân viên Công ty.

Điều 19: Quà tặng

1. Công ty có quà tặng hằng năm cho cán bộ, công nhân viên trong các dịp sau:

– Sinh nhật cán bộ, công nhân viên.

– Nhận sổ hưu trí.

– Dịp tết Dương lịch, tết Âm lịch, Quốc tế lao động 1/5 và Quốc khánh 2/9.

2. Phân cấp thực hiện như sau:

– Đối với cán bộ, công nhân viên cơ quan Công ty, cán bộ cấp phó, cấp trưởng các đơn vị trực thuộc do Công ty thực hiện.

– Đối tượng còn lại do các đơn vị quản lý cán bộ, công nhân viên thực hiện.

– Giám đốc Công ty căn cứ vào thực tế quy định cụ thể nội dung điều này.

Điều 20: Tổ chức học tập, tham quan, nghỉ mát

Tuỳ theo điều kiện sản xuất kinh doanh hằng năm, Công ty tổ chức cho cán bộ, công nhân viên Công ty học tập, tham quan, nghỉ mát để nâng cao trình độ và tăng cường sức khoẻ cho cán bộ, công nhân viên.

Điều 21: Ứng xử của Công ty với gia đình cán bộ, công nhân viên

Ứng xử của Công ty khi cán bộ, công nhân viên Công ty lấy vợ (hoặc chồng); bản thân cán bộ, công nhân viên ốm đau, thương tật; thân nhân cán bộ, công nhân viên qua đời.

1. Công ty có tặng phẩm khi cán bộ, công nhân viên Công ty lấy vợ hoặc chồng ;

2. Khi cán bộ, công nhân viên Công ty ốm đau, thương tật, Công ty sẽ tổ chức thăm hỏi động viên và tặng quà ;

3. Bản thân cán bộ, công nhân viên; thân nhân cán bộ, công nhân viên (bao gồm cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ hoặc chồng; vợ, chồng, con đẻ, con nuôi) không may qua đời, Công ty sẽ tổ chức phúng viếng, khi có yêu cầu của gia đình tang chủ Công ty sẽ tham gia hoặc chủ trì tổ chức tang lễ cho người quá cố.

Giám đốc Công ty quy định cụ thể về nguồn tài chính, mức hỗ trợ và phân cấp thực hiện nội dung này.

Điều 22: Tương thân tương ái, hỗ trợ nhau trong những lúc khó khăn hoạn nạn

1. Bản thân cán bộ, công nhân viên; gia đình cán bộ, công nhân viên Công ty gặp khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống sẽ được:

– Công ty quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật ;

– Bằng tầm lòng tương thân tương ái của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty. Công đoàn Công ty tổ chức vận động để các cá nhân cán bộ, công nhân viên đóng góp khoản hỗ trợ này.

2. Công ty và cán bộ, công nhân viên Công ty hưởng ứng với tinh thần cao nhất các cuộc vận động vì người nghèo hoặc hỗ trợ các nạn nhân có sự cố xảy ra.

Điều 23: Điều khoản thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành;

2. Các thành viên HĐQT, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và các cán bộ, công nhân viên trong toàn Công ty chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này./.

Nơi nhận:

TCT VINACONEX (để báo cáo);

Các Thành viên HĐQT;

Ban Giám đốc Công ty;

Các Thành viên Ban kiểm soát;

Trưởng các phòng ban;

Các đơn vị trực thuộc;

Lưu TCHC.

T/M. HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

(Đã ký và đóng dấu)

Chủ tịch: VŨ ĐÌNH CHẦM

Xổ số miền Bắc