Nghị quyết của Chính Phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa

Đăng ngày: 29/07/2014

Đặt vấn đề chung

Xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa là vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển, các sự nghiệp đó nhằm từng bước nâng cao mức hưởng thụ về giáo dục, y tế, văn hóa và sự phát triển về thể chất, tinh thần của nhân dân.

Xã hội hóa là xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế, xã hội lành mạnh và thuận lợi cho các hoạt động giáo dục. ở mỗi địa phương, đây là cộng đồng trách nhiệm của Ðảng bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp đóng tại địa phương và của từng người dân.

Xã hội hóa và đa dạng hóa các hình thức hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bên cạnh việc củng cố các tổ chức của Nhà nước, cần phát triển rộng rãi các hình thức hoạt động do các tập thể hoặc cá nhân tiến hành trong khuôn khổ chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước. Ða dạng hóa chính là mở rộng các cơ hội cho các tầng lớp nhân dân tham gia chủ động và bình đẳng vào các hoạt động trên.

Xã hội hóa là mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội. Phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân, tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa phát triển nhanh hơn, có chất lượng cao hơn, là chính sách lâu dài, là phương châm thực hiện chính sách xã hội của Ðảng và Nhà nước, không phải là biện pháp tạm thời, chỉ có ý nghĩa tình thế trước mắt do Nhà nước thiếu kinh phí cho các hoạt động này. Khi nhân dân ta có mức thu nhập cao, ngân sách Nhà nước đã dồi dào vẫn phải thực hiện xã hội hóa, bởi vì giáo dục, y tế, văn hóa là sự nghiệp lâu dài của nhân dân, sẽ phát triển không ngừng với nguồn lực to lớn của toàn dân.

Xã hội hóa không có nghĩa là giảm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước, giảm bớt phần ngân sách của Nhà nước, trái lại Nhà nước thường xuyên tìm thêm các nguồn thu để tăng tỷ lệ ngân sách chi cho các hoạt động này, đồng thời quản lý tốt để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí đó.

Thực hiện xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa cũng là giải pháp quan trọng để thực hiện chính sách công bằng xã hội trong chiến lược phát triển kinh tế của Ðảng và Nhà nước. Công bằng xã hội không chỉ biểu hiện về mặt hưởng thụ, tức là người dân được xã hội và Nhà nước chăm lo, mà còn biểu hiện cả về mặt người dân đóng góp, cống hiến cho xã hội theo khả năng thực tế của từng người, từng địa phương.

Thực hiện công bằng trong chính sách xã hội phải vận dụng các nguyên tắc điều chỉnh và ưu tiên, nhất là phải ưu tiên đối với người có công, phải trợ giúp người nghèo, vùng nghèo; người có công, có cống hiến nhiều hơn, được xã hội, Nhà nước chăm lo nhiều hơn.

Công bằng xã hội trong việc huy động các nguồn lực của nhân dân vào các hoạt động văn hóa, xã hội không phải là huy động bình quân mà là vận dụng cách huy động và mức huy động tùy theo các lớp người có điều kiện thực tế khác nhau, có mức thu nhập khác nhau. Những người thuộc diện chính sách xã hội của Ðảng và Nhà nước được miễn, giảm phần đóng góp.

Công bằng xã hội còn được thực hiện thông qua việc phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, người giàu giúp người nghèo, vùng giàu giúp vùng nghèo. Phát triển nhiều loại quỹ do nhân dân đóng góp tự nguyện làm việc nghĩa như quỹ khuyến học, quỹ từ thiện… Nhà nước ban hành quy chế thành lập và quản lý các quỹ này theo hướng phát huy khả năng tự quản và giám sát của người đóng góp, thực hiện chế độ công khai hóa thu chi.

Thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa với quan niệm đúng đắn về công bằng xã hội chính là thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa theo đường lối của Ðảng.

Xã hội hóa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân

1. Việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân và của cả cộng đồng. Ðây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Ngành Y tế, mà còn là trách nhiệm của các cấp uỷ Ðảng và Chính quyền, của các đoàn thể quần chúng và tổ chức xã hội. Vì vậy thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là cần thiết và phù hợp với xu thế của thời đại.

Nội dung xã hội hóa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người là động viên và tổ chức tốt sự tham gia tích cực chủ động của mọi người với tư cách cộng đồng và tư cách cá nhân trên cả hai mặt hoạt động và đóng góp; tăng cường sự phối hợp liên ngành và củng cố vai trò nòng cốt của Ngành Y tế.

Xã hội hóa bao gồm: đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (Nhà nước, tập thể, dân lập, tư nhân… ) trong đó y tế Nhà nước có vai trò chủ đạo, cho phép nhiều lực lượng có hiểu biết và kinh nghiệm nghề nghiệp tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dưới sự quản lý của Nhà nước nhằm cung ứng dịch vụ ngày càng thuận tiện cho người dân và giảm bớt sức ép về ngân sách cho Nhà nước. Khuyến khích các tổ chức, các cá nhân trong và ngoài nước thành lập các phòng khám, chữa bệnh nhân đạo. Mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà, các nhà thuốc tư nhân, các quầy thuốc, tủ thuốc tại trạm y tế xã phục vụ sức khỏe cộng đồng.

Vận động nhân dân tự giác tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe: các phong trào vệ sinh, rèn luyện thân thể, phòng bệnh, phòng dịch, bảo vệ môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh; tăng cường sử dụng y học cổ truyền dân tộc, nuôi, trồng các loại cây, con làm thuốc. Nhân dân tham gia đóng góp và chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua chế độ viện phí, tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.

2. Một số chủ trương, biện pháp để thực hiện xã hội hóa hoạt động y tế:

a. Ða dạng hóa các loại hình CSSK: Cho phép thành lập các bệnh viện bán công, bệnh viện tư, bệnh viện liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài, các xí nghiệp dược phẩm tư nhân hoặc cổ phần. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các nhà thuốc tư nhân, các phòng khám bệnh và chẩn trị tư nhân, kể cả các cơ sở chữa trị theo y học cổ truyền.

b. Sửa đổi chế độ thu viện phí ở các cơ sở y tế công cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay trên nguyên tắc giá viện phí được tính gần đủ các chi phí trực tiếp phục vụ người bệnh, song thực hiện từng bước để nhân dân có thể chấp nhận.

Sửa đổi chế độ BHYT cho phù hợp với giá viện phí, xóa bỏ sự phân biệt về chế độ điều trị giữa người nộp viện phí và người đóng BHYT. Ða dạng hóa các mức đóng góp và quy định được chi từ quỹ BHYT tương ứng với mức và thời gian đóng góp. Thực hiện cơ chế chi trả thích hợp, tránh tình trạng lạm dụng thẻ BHYT. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút đông đảo nhân dân tham gia BHYT.

c. Tổ chức tốt việc khám chữa bệnh cho người nghèo. Chính phủ tài trợ một phần, đồng thời khuyến khích Hội chữ thập đỏ, các Hội từ thiện, tổ chức quần chúng, tổ chức kinh tế của Nhà nước và tư nhân đóng góp để xây dựng quỹ bảo trợ giúp người nghèo được khám, chữa bệnh, mua BHYT cho các gia đình có công với nước và cho người nghèo.

d. Các cấp chính quyền chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Nâng cao chất lượng công trình vệ sinh gia đình, phòng chống dịch chủ động”, xây dựng vườn thuốc nam tại gia đình thành một phong trào rộng rãi ở cơ sở.

e. Nâng cao chất lượng mạng lưới y tế cơ sở, trước hết là đào tạo đủ y tá tại thôn bản, nữ hộ sinh và dược tá tại xã; có chính sách động viên bác sĩ, y sĩ, dược sĩ về công tác tại các cơ sở y tế xã.

K/T Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng

Phan Văn Khải

Xổ số miền Bắc