Một vé đi tuổi thơ cùng mèo ú Doraemon – Tạp chí Đẹp

Ngồi trước màn ảnh coi “Doraemon và viện bảo tàng bảo bối”, người ta quên mình đang là người lớn, cứ thấy được trẻ lại, nhìn từng phần tuổi thơ trôi qua trước mắt.

“Doraemon” xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1969, do hai họa sĩ Fujimoto Hiroshi và Abiko Motoo với bút danh chung là Fujiko Fujio tạo nên. Đến năm 1992 – 1994, “Doraemon” đến Việt Nam với tên gọi Việt Hóa là “Đôrêmon”, trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của bao thế hệ người Việt trẻ. Tính đến nay, “Đôrêmon” đã được tái bản rất nhiều lần, trở lại tên nguyên thủy của mình là “Doraemon”, xuất hiện trên phim ngắn, phim dài tập, hình in trên hàng triệu vật phẩm khác nhau, và sức hút của nó vẫn chưa bao giờ có dấu hiệu suy giảm.

Có người bảo “Nếu chưa từng đọc ‘Doraemon‘ thì coi như đánh mất phân nửa tuổi thơ”, tôi không bình luận nhiều về câu này, bởi cá nhân tôi thấy nó rất đúng.


 

Cùng chung nội dung đơn giản dành cho thiếu nhi, bộ phim vừa ra rạp “Doraemon và viện bảo tàng bảo bối” kể về thế giới tương lai. Tại đây, có một viện bảo tàng, chuyên lưu trữ tất cả những món bảo bối thần kỳ được tạo ra, từ phiên bản đầu tiên cho đến hiện đại nhất.

Tên trộm bí ẩn Deluxe quyết tâm thách thức cảnh sát tương lai bằng lời tuyên bố sẽ ăn cắp những món bảo bối tại đây. Ở thì hiện tại, trong lúc đang say ngủ, Doraemon bị một bàn tay bí ẩn từ không gian chìa ra, lấy mất cái chuông đeo trước cổ mình. Mặc dù có thể mua lại một cái khác, nhưng mèo ú lại nhất quyết không chịu, đòi tìm lại cho bằng được cái chuông cũ. Với món bảo bối đồ nghề thám tử, Nobita tìm ra được manh mối của cái chuông nằm tại viện bảo tàng bảo bối, thế là cậu và mèo ú, cùng nhóm bạn Shizuka, Suneo, Jaian cùng nhau phiêu lưu một chuyến đến tương lai. Và cũng tại đây, mọi người lại bị cuốn vào những bí mật mới, đồng thời hiểu thêm về chiếc chuông đeo cổ của mèo ú.

Câu chuyện tuy đơn giản, nhưng với những hình ảnh tươi sáng, những biểu cảm vô cùng đáng yêu của mèo máy Doraemon, những câu thoại dí dỏm được lồng tiếng Việt, chắc chắn sẽ làm những bạn nhỏ, lẫn những người lớn yêu thích Doraemon thích thú. 

Hơn hai mươi năm tuổi, lần đầu tiên lại được ngồi xem “Doraemon” trên màn ảnh rộng, tôi thấy mình như được trẻ lại, ngồi ngây người nhìn những món bảo bối thần kỳ từng gắn liền với tuổi thơ tái hiện. Vẫn là mèo ú thông minh nhưng vẫn có khi ngờ nghệch, vẫn là Nobita hậu đậu, Xuka xinh đẹp, Xeko mỏ nhọn, Chaien rốn lòi, vẫn là câu chuyện cảm động về tình bạn, về niềm tin, về những phép mầu trong cuộc sống, tôi thấy sao mà vừa lạ lại vừa thân quen.

 

Nhân dịp mèo ú công chiếu, xin kể lại một câu chuyện ít ai biết về bộ truyện tranh “Doraemon”

“Doreamon” được xuất bản chính thức tại Nhật Bản năm 1969 trong một tạp chí dành cho trẻ em lứa tuổi đi nhà trẻ. Đến năm 1973 thì bộ truyện này chính thức được phát hành trên tạp chí truyện tranh dành cho trẻ lớp 5, 6. Trong quá trình xuất bản, năm 1971, hai năm sau khi ra đời, bộ Văn hóa Nhật đã có cuộc họp với ban lãnh đạo Shogakukan, đơn vị sở hữu bản quyền, về việc “cân nhắc nội dung của truyện tranh ‘Doraemon’ vì liên quan đến vấn đề tình dục không hợp lứa tuổi.”

 

Độ tuổi của Nôita, Chaien, Xuka, Xêko trong truyện vào tầm lớp 3, 4… lứa tuổi còn cách xa lúc dậy thì, nhưng “thường xuyên có hành vi kéo váy bạn gái, nhìn trộm bạn gái tắm… dù vô tình hay cố ý.” Điều này vô hình chung tác động tiêu cực đến nhận thức của lứa tuổi độc giả mà “Doreamon” hướng tới – trẻ lớp 1 đến 6.

Sự việc trên gây ra làn sóng phản đối dữ dội của rất rất nhiều tín đồ “Doreamon” lúc bấy giờ, nên bộ truyện này vẫn được xuất bản.

Khoảng năm 1992 – 1994, “Doreamon” đến Việt Nam và đến nay trở thành một biểu tượng gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều thế hệ trẻ em Việt. Người ta ca tụng nó, người ta hưởng ứng, khen ngợi nó, nhưng không phải tất cả mọi người đều biết đến câu chuyện đằng sau của nó. Trong các trang truyện tại Việt Nam, đội ngũ biên tập đã phải làm việc rất cẩn thận để vẽ thêm vào những đường nét che đi sự nhạy cảm không nên có, đảm bảo không xảy ra tình trạng từng xảy ra ở Nhật.

 

Và cứ như vậy, hơn hai mươi năm qua, mèo ú đã sống trong lòng rất nhiều thế hệ Việt Nam. Có khi cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, người ta lại cầm một cuốn “Doreamon” lên, dù chỉ cần đọc ô tranh đầu tiên đã biết cả câu chuyện nói về việc gì, nhưng ta vẫn đọc, như một thói quen khó từ bỏ. Đó là sức hút của tuổi thơ, của khoảng thời gian con người chưa vướng vào lo âu sầu muộn.

Vì thế, những người yêu quý mèo ú, hãy dẹp bỏ những toan tính, dẹp bỏ mớ công việc bàn giấy, dẹp bỏ những giận hờn với người yêu, dẹp bỏ luôn những tranh giành ngoài đời thực… mua tấm vé, đi qua cửa thần kì, chiếu vào mình đèn pin trẻ hóa, ngồi như đứa trẻ ngây ngô mở tròn mắt, thích thú cất tiếng cười không nặng lòng suy nghĩ. Những điều đó, bạn sẽ tìm được ở “Doraemon và bảo tàng bảo bối bí mật”.

Bài: Chú Hề
Ảnh: Doraemon FC

>>> Có thể bạn quan tâm: Tại các hệ thống rạp chiếu, trung bình một ngày có khoảng trên dưới 20 suất chiếu “Tèo em”, đóng góp khoảng 60% – 70% doanh thu phòng vé của ngày. Những con số này, cho thấy “Tèo em” là một bước tiến về doanh thu của Charlie, nhưng lại là cái dậm chân tại chỗ trong nghề đạo diễn phim.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online

tại đây

. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Xổ số miền Bắc