Đắk Lắk: Tổng kết 10 năm dạy học tiếng Êđê trong trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên

Đắk Lắk là một tỉnh biên giới, miền núi nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, dân số khoảng 1,9 triệu người, có 49 dân tộc. Ngoài dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Tây Nguyên còn có rất đông đồng bào DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc di cư đến và sinh sống trên địa bàn của tỉnh, trong đó có cả đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người. Điều này tạo cho Đắk Lắk có một nền văn hóa và ngôn ngữ phong phú, đa dạng. Tại tỉnh Đắk Lắk có 03 dân tộc bản địa sinh sống lâu đời, gồm: dân tộc Êđê, dân tộc M’nông, dân tộ

Đắk Lắk là một tỉnh biên giới, miền núi nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, dân số khoảng 1,9 triệu người, có 49 dân tộc. Ngoài dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Tây Nguyên còn có rất đông đồng bào DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc di cư đến và sinh sống trên địa bàn của tỉnh, trong đó có cả đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người. Điều này tạo cho Đắk Lắk có một nền văn hóa và ngôn ngữ phong phú, đa dạng. Tại tỉnh Đắk Lắk có 03 dân tộc bản địa sinh sống lâu đời, gồm: dân tộc Êđê, dân tộc M’nông, dân tộc Jarai với tổng số dân số là 213.431 người chiếm 31,98% trong tổng dân số của 49 dân tộc cùng chung sống trên địa bàn tỉnh. Cả 03 dân tộc bản địa đều có bộ chữ viết riêng. Chính vì vậy những năm qua việc dạy tiếng dân tộc thiểu số trong các nhà trường đã được cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục đặc biệt coi trọng.
Tiếng nói và chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số ở Việt Nam vừa là vốn quý của các dân tộc, vừa là tài sản văn hóa chung của cả nước, được nhà nước tôn trọng, duy trì và giúp đỡ phát triển. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, trong đó có việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của các DTTS, trong những năm qua, việc triển khai dạy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các cơ quan ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Ngày 09 tháng 07 năm 2010 Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số: 03/2010/NQ-HĐND về việc dạy tiếng Êđê trong trường Tiểu học và Trung học cơ sở giai đoạn 2010-2015. Tức là trước khi cả khi Chính phủ ban hành Ban hành Nghị định số: 82/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2010 Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Trong 10 năm qua trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn tiếng nói và chữ viết DTTS, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh và chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tham mưu 16 văn bản để thực hiện kịp thời, đầy đủ về chủ trương đường lối, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Căn cứ kế hoạch năm học của Bộ GDĐT, hằng năm, Sở GDĐT ban hành kế hoạch năm học về công tác giáo dục dân tộc, trong đó có hướng dẫn cụ thể về thực hiện triển khai dạy học tiếng Êđê trong trường phổ thông. Việc thực hiện được quán triệt theo kế hoạch năm học đến cấp phòng, cấp trường và được kiểm tra đánh giá thường xuyên theo chuyên đề và định kỳ năm học. Công tác phối hợp triển khai, kiểm tra, giám sát của các tổ chức, ban, ngành địa phương của tỉnh được quan tâm duy trì và thực hiện có hiệu quả trong tất cả các mặt: công tác triển khai kế hoạch phối hợp thực hiện; tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách liên quan đến Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ; phối hợp tham gia xây dựng, giám sát thực hiện chính sách của người dạy và học; điều kiện tổ chức dạy học,… theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk trong 10 năm qua, quy mô phát triển trường, lớp dạy tiếng Êđê trong địa bàn tỉnh có sự phát triển vượt bậc trong những năm đầu và giữ được sự ổn định cho những năm tiếp theo. Đối với cấp tiểu học nếu như năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 76 trường, 497 lớp, 11.052 học sinh tham gia học tiếng Ê Đê, thì đến năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 97 trường, 617 lớp, 13.810 học sinh tham gia học tiếng Ê Đê. Như vậy trong 10 năm học vừa qua toàn tỉnh đã, tăng 21 trường, 120 lớp, 2.758 học sinh tham gia học tiếng Ê Đê. Số giáo viên dạy tiếng Ê Đê tăng 34 giáo viên. Hiện nay, số trường tiểu học nằm trong vùng có đông đồng bào DTTS đã triển khai dạy tiếng Êđê là 97/123 trường đạt 79%.

Đối với bậc THCS: Năm học 2010-2011, có 12 trường, 37 lớp, 1.337 học sinh, thì đến năm học 2019-2020, có 14 trường, 28 lớp, 1.088 học sinh tham gia học tiếng Ê Đê và 16 giáo viên dạy tiếng Ê Đê. Hiện nay, số trường PTDTNT dạy tiếng Êđê là 14/15 trường trong toàn Tỉnh (duy chỉ có Trường PTDTNT huyện Lắk chưa dạy tiếng dân tộc thiểu số vì chưa có sách tiếng M’nông).

Học sinh tiểu học Đắk Lắk trong giờ học tiếng Êđê.

Việc triển khai sử dụng sách giáo khoa tiếng Êđê trong các trường tiểu học tại Đắk Lắk từ năm học 1995-1996, sử dụng bộ sách “tiếng Êđê thực nghiệm’’; từ tháng 12/2013 đến nay, bộ sách tiếng Êđê cấp Tiểu học chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua và trở thành bộ sách giáo khoa cấp quốc gia gồm 03 cuốn sách Tiếng Êđê (quyển 1, quyển 2, quyển 3).Riêng với cấp THCS, việc triển khai thực hiện dạy tiếng Êđê mới chỉ thực hiện tại các trường phổ thông dân tộc nội trú theo chương trình và tài liệu dạy học do địa phương biên soạn.

Để nâng cao chất lượng dạy tiếng Êđê trong các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Viện Ngôn ngữ học Việt Nam hoàn thành việc nghiên cứu biên soạn, in ấn phát hành sách Ngữ pháp tiếng Êđê, năm 2015, phối hợp với Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam hoàn thành việc nghiên cứu biên soạn, in ấn phát hành sách Từ điển Êđê-Việt (Với 8.500 đầu mục từ). Đây là những cuốn sách công cụ vô cùng quan trọng, giúp cho người dạy, người học và những nhà nghiên cứu về tiếng nói chữ viết Ê Đê có được những cẩm nang quan trọng, góp phần bảo tồn văn hóa, tiếng nói chữ viết cho DTTS.

Sở cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn thêm sách tài liệu tiếng Êđê và nhiều công trình nghiên cứu đã hoàn thành và được in ấn, phát hành đưa vào sử dụng trong trường học với những đầu sách như: Bộ truyện đọc song ngữ Êđê – Việt tập 1, 2, 3 (gồm 03 đầu sách). Bộ sách tham khảo đã đáp ứng được nhu cầu của các em học sinh học tiếng Êđê. Đây là nguồn tài liệu truyện đọc phù hợp với lứa tuổi, nhằm nhằm phát triển các kỹ năng đọc và mở rộng về vốn từ, văn hóa của dân tộc tiếng Êđê. Bộ sách Bài tập, Vở tập viết tiếng Êđê quyển 1, 2, 3 (gồm 06 đầu sách). Nội dung các bộ tài liệu bám sát với nội dung sách giáo khoa tiếng Êđê nên đã góp phần quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng dạy học tiếng Êđê.

 Theo đánh giáo của Sở GD&ĐT, nhìn chung, trong 10 năm qua, chất lượng dạy học tiếng Êđê ngày càng được nâng cao. Việc học tiếng Êđê đã mang lại tác dụng tích cực vì hầu hết các em đều yêu thích học tiếng mẹ đẻ, ham mê học tập, hạn chế bỏ học, góp phần việc duy trì sĩ số học sinh và hỗ trợ học các môn học khác tốt hơn, trong đó chất lượng môn học tiếng Êđê được nâng cao rõ rệt, cụ thể.

Tuy nhiên quá trình triển khai dạy tiếng DTTS tại Đắk Lắk vẫn còn gặp một số khó khăn như: hiện nay, tại huyện Lắk có tỉ lệ học sinh dân tộc M’nông cao, phụ huynh có nhu cầu, nguyện vọng cho con em được học tiếng mẹ đẻ nhưng đến nay chưa được triển khai thực hiện dạy trong trường phổ thông vì chưa có sách giáo khoa. Toàn tỉnh vẫn còn 26/123 (21%) trường tiểu học có đông học sinh người Êđê nhưng chưa thể tổ chức giảng dạy tiếng Êđê được. Nguyên nhân do một số địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất và thiếu đội ngũ giáo viên dạy tiếng Êđê.

Cùng với việc dạy tiếng địa phương còn quan tâm dạy học sinh diễn tấu các loại nhạc cụ truyền thống.

Hiện nay giáo viên dạy tiếng Êđê ở các cấp học chưa được đào tạo đúng chuyên ngành dạy tiếng dân tộc thiểu số, giáo viên đang dạy tiếng Êđê hiện nay chỉ được bồi dưỡng chuyên môn qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn do các trường Cao đẳng, Đại học và Sở GDĐT tổ chức vì vậy đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và việc bố trí biên chế giáo viên theo đúng vị trí việc làm của các đơn vị cơ sở. Trong những năm qua, việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn dạy tiếng DTTS hằng năm chưa được Bộ GD&ĐT tiến hành thường xuyên mà chủ yếu giao cho địa phương tự tổ chức nên có những khó khăn về mặt chất lượng cũng như quá trình triển khai bồi dưỡng. Với đặc thù của tiếng dân tộc thiểu số, việc triển khai giảng dạy vẫn cần rất nhiều tài liệu hỗ trợ dạy học và cần nhiều đề tài nghiên cứu tài liệu hỗ trợ dạy học như: Phương pháp dạy học tiếng Êđê, nghiên cứu tâm lý học sinh dân tộc thiểu số, môi trường giao lưu tiếng DTTS giữa các đơn vị trường học,… hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk trong 10 năm qua, quy mô phát triển trường, lớp dạy tiếng Êđê trong địa bàn tỉnh có sự phát triển vượt bậc, ảnh Phùng Xuân.

Bên cạnh đó là những khó khăn trong thực hiện chính sách đối với người dạy, người học tiếng dân tộc cũng còn nhiều bất cập; cơ sở vật chất và thiết bị đồ dùng dạy học cho môn tiếng Êđê vẫn còn thiếu thốn, đa số giáo viên đều phải tự làm đồ dùng dạy học. Hiện nay Bộ GD&ĐT đã cung ứng bộ đồ dùng dạy học mẫu tiếng Êđê cấp tiểu học, song đến nay đồ dùng dạy học vẫn chưa được phát hành và đưa vào ứng dụng tại các trường học dạy tiếng Êđê vì địa phương chưa kịp bố trí nguồn kinh phí để phát hành bộ đồ dùng.

Để nâng cao chất lượng dạy tiếng DTTS trong các nhà trường, địa phương cũng đã kiến nghị Chính phủ: Tiếp tục duy trì và điều chỉnh bổ sung Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có kiến nghị bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ cho cán bộ phụ trách công tác giáo dục dân tộc cấp sở và cấp phòng, đồng thời có sự điều chỉnh bổ sung kịp thời cho phù hợp với điều kiện tình hình mới cho phù hợp với điều kiện thực hiện chương trình theo chương trình tiếng DTTS được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cũng đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành bộ SGK tiếng M’nông, cho phép triển khai dạy tiếng M’nông cho học sinh dân tộc M’nông ở tỉnh Đắk Lắk; Chỉ đạo việc đào tạo chuyên ngành tiếng DTTS cho các trường có nhiệm vụ đào tạo giáo viên trong tỉnh và tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS./.

Xổ số miền Bắc