Cô hiệu trưởng học tiếng Êđê để giao tiếp với phụ huynh, giảng dạy cho trò

GD&TĐ – Công tác tại ngôi trường có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số Êđê, cô Tân quê ở Nghệ An đã học tiếng bản địa để giao tiếp, giảng dạy học trò. Không những thế, cô còn quan tâm, yêu thương, giúp đỡ trò nghèo vượt qua khó khăn.

Học tiếng bản địa để giữ chân học trò

Gần 30 năm công tác trong sự nghiệp “trồng người” ở các buôn làng Tây Nguyên, cô giáo Lê Thị Tân (SN1973), Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) gần như thông thạo ngôn ngữ tiếng Ê Đê.

Cô Tân sinh ra trên mảnh đất hiếu học Nghệ An. Từ nhỏ cô đã ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên đứng trên bục giảng, dạy học trò. Năm 1993, sau khi học xong THPT cô theo người thân vào Tây Nguyên sinh sống và nộp hồ sơ thi vào trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk. Năm 1995 tốt nghiệp ra trường, cô được phân công nhận công tác tại trường cấp I, II Nguyễn Đình Chiểu xã Ea Drơng, cách trung tâm huyện Cư M’gar khoảng 20km.

Vui mừng, phấn khởi khi được nhận quyết định, thế nhưng đường mòn dẫn vào trường đất đỏ trơn trượt về mùa mưa, gió bụi mịt mù vào mùa khô. Không những thế, những ngày đầu phòng học lụp xụp, mái tôn cũ gỉ, xung quanh được thưng bằng ván bìa thưa thớt.

Cô Tân nhớ lại, khi đó lớp cô phụ trách chỉ lác đác vài em. Thấy cô giáo lạ, lại là người Kinh nên học sinh chẳng dám tới gần. Tất cả học sinh đều là người dân tộc thiểu số Ê đê, lại nói tiếng bản địa nên cô Tân khó khăn trong việc giao tiếp. Đặc biệt, việc vận động các em đến lớp để duy trì sĩ số rất khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Không những vậy, đời sống khó khăn nên phụ huynh muốn con em ở nhà cùng lên nương rẫy, trông em cho bố mẹ đi làm. Có những lúc bất lực, sợ không làm tròn nhiệm vụ, không chuyển tải được con chữ đến với các em – cô Tân bật khóc.

Trăn trở và suy nghĩ làm sao để hoà đồng với bà con, nói sao để phụ huynh hiểu và cho con đến trường. Thế là cô Tân quyết tâm học tiếng Ê đê. Để học được ngôn ngữ mới, cô tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, bắt đầu những từ đơn giản. Dần dần cô Tân cũng nhận biết được những từ cơ bản, vài tháng sau có thể “bặp bẹ” nói được tiếng Ê đê.

Khi đã biết tiếng bản địa, cô Tân thường xuyên đến trao đổi với Bí thư chi bộ, trưởng buôn, già làng để vận động các em tới lớp, không bỏ học. Nhờ vậy mà học sinh đến lớp ngày một đông.

Hỗ trợ học sinh khó khăn

Cô hiệu trưởng học tiếng Êđê để giao tiếp với phụ huynh, giảng dạy cho trò ảnh 1

Nhận thấy tấm chân tình và tình yêu thương những đứa trẻ trong làng, gia đình bà Amí Loi (Buôn Tah, xã Ea Drơng) nhận cô Tân làm con nuôi. Khi có mớ rau rừng, hay con cá suối Ama Loi đều mang đến cho cô.

“Khi được gia đình trong làng nhận là con gái nuôi tôi rất xúc động. Tôi luôn tự nhủ lòng mình phải tâm huyết với nghề, cố gắng dạy dỗ các em thật tốt và hỗ trợ cho học sinh thiếu thốn”, cô Tân tâm sự.

Với những nỗ lực, cống hiến của mình, năm 2000 cô Tân được tín nhiệm bầu làm Phó hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng. Đến năm 2016 cô được điều động làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Du sau đó sáp nhập với trường Tiểu học Chu Văn An (xã Cuôr Đăng) đến nay.

Cô Tân chia sẻ, trường Tiểu học Chu Văn An có đến 99% học sinh là người dân tộc thiểu số Ê đê. Vì vậy việc nói và hiểu được ngôn ngữ của bà con đã giúp gắn kết tình cảm giữa nhà trường và gia đình. Từ đó, chương trình phổ cập giáo dục Tiểu học của trường vì thế cũng đạt được kết quả tích cực.

Không chỉ quan tâm đến công tác dạy học và duy trì sĩ số, cô Tân còn tích cực giúp đỡ học sinh nghèo, những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Vào 2005, em học sinh Hồ Thị Nga vào học lớp 1, tuy nhiên em bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Lúc bấy giờ chưa có phong trào kết nối các tổ chức cá nhân làm công tác nhân đạo như bây giờ, nên cô đã tự trích tiền lương để mua quà trao tặng thường xuyên và hỗ trợ em suốt 5 năm học Tiểu học.

Vừa qua, vào tháng 12/2021, cậu học trò Y Qua Niê (7 tuổi) của trường không may bị bỏng nước sôi. Gia đình khó khăn nên 2 ngày trôi qua cháu bé vẫn chưa được đến bệnh viện thăm khám. Sau khi biết sự việc, cô Tân đã phối hợp với chính quyền địa phương động viên gia đình đưa cháu đến Bệnh viện. Đồng thời kêu gọi, quyên góp kinh phí để giúp đỡ tiền viện phí cho cháu Y Qua.

Chị H’Đôk Niê – mẹ cháu Y Qua chia sẻ: “Chỉ sau 3 ngày, gia đình đã nhận được vài chục triệu đồng từ các nhóm từ thiện và các cá nhân, tổ chức ủng hộ. Gia đình tôi vô cùng biết ơn cô Tân đã giúp đỡ kịp thời để cháu Y Qua khoẻ mạnh trở về nhà”.

Ông Y Lý Niê, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Cuôr Dăng cho hay, những năm qua, cô giáo Lê Thị Tân luôn phối hợp với địa phương giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Nhờ thông thạo tiếng Ê đê cô Tân thuận tiện hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, được nhân dân quý mến coi cô Tân như người con của buôn làng.

Xổ số miền Bắc