Chức năng quản lý văn hóa, giáo dục của Nhà nước Việt Nam giai đoạn hội nhập quốc tế

Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

Chức năng quản lý văn hóa, giáo dục của Nhà nước Việt Nam giai đoạn hội nhập quốc tế

Tóm tắt: Chức năng quản lý văn hóa, giáo dục là chức năng rất quan trọng, có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến hầu hết các hoạt động của Nhà nước Việt Nam và nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống văn hóa, xã hội. Mặt khác, văn hóa, giáo dục luôn là lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp, vì vậy, hình thức và phương pháp thực hiện chức năng quản lý văn hóa, giáo dục trong giai đoạn hội nhập quốc tế luôn cần phải có sự xem xét để điều chỉnh kịp thời.
Abstract: Cultural, educational management function is a very important function which directly affects and impacts on most of the activities of the Vietnamese State and different fields of the life, culture and society. On the other hand, the culture, education have been always sensitive and complicated fields. Therefore, the form and method of implementation of management function of culture, education in the phase of international integration, should always be reviewed for timely adjustment.

 

Trong giai đoạn bùng nổ của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, dưới tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ của các nền văn hóa, giáo dục đến từ các quốc gia khác nhau, chức năng quản lý văn hóa, giáo dục của Việt Nam đang gặp những khó khăn, thách thức. Để quản lý nền văn hóa, giáo dục của Việt Nam phù hợp và thích ứng với các biến động của xu thế hội nhập, đòi hỏi chức năng quản lý văn hóa, giáo dục phải đổi mới về hình thức và cả phương pháp thực hiện. Tuy nhiên, hình thức và phương pháp thực hiện chức năng quản lý văn hóa, giáo dục của Nhà nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay như thế nào, hiệu quả mang lại trên thực tế ra sao là những vấn đề rất cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu. Trên cơ sở này, tìm ra các giải pháp nhằm hoàn thiện chức năng quản lý văn hóa, giáo dục của Nhà nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

1. Các hình thức chủ yếu thực hiện chức năng quản lý văn hóa, giáo dục của Nhà nước Việt Nam giai đoạn hội nhập quốc tế 

Hình thức thực hiện chức năng quản lý văn hóa, giáo dục của Nhà nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế bao gồm hai nội dung chính đó là: Hình thức mang tính pháp lý và hình thức không mang tính pháp lý.

1.1. Về hình thức pháp lý 

Thứ nhất, Nhà nước xây dựng chính sách pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục trong giai đoạn hội nhập quốc tế

Về cơ bản, đây là cả một quá trình hoạt động rất rộng bao gồm tất cả các khâu từ việc nghiên cứu, đánh giá các nhu cầu phát triển của văn hóa, giáo dục, thực trạng của văn hóa, giáo dục, xác định các giải pháp, chủ trương, chính sách, cơ chế tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, giáo dục đến việc xây dựng hệ thống các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ liên quan đến văn hóa, giáo dục. Tất cả các công việc trên sẽ được Nhà nước tổng hợp lại, từ đó mới có thể ban hành ra hệ thống văn bản pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục. Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập quốc tế, việc ban hành chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục còn bị chi phối và ảnh hưởng bởi các yếu tố hội nhập. Các nền văn hóa, giáo dục từ nước ngoài được du nhập vào Việt Nam, đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần và hệ thống giáo dục, đào tạo của Việt Nam. Vì vậy, trong giai đoạn hội nhập quốc tế, hệ thống pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục luôn được xây dựng theo hướng sẵn sàng chủ động đối phó với những tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế. Đồng thời, phát huy, giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa lâu đời và bảo vệ hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam.

Thứ hai, Nhà nước tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục trong giai đoạn hội nhập quốc tế 

Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục là hoạt động tổ chức mang tính bắt buộc của Nhà nước. Bên cạnh Nhà nước là người trực tiếp thực hiện, còn có sự trợ giúp của cả xã hội nhằm đưa các quy phạm pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục vào thực tiễn đời sống xã hội. Các công việc chủ yếu của nội dung hoạt động tổ chức này gồm: Tuyên truyền, phổ biến, giải thích, giáo dục chính sách, pháp luật về  văn hóa, giáo dục; tạo mọi điều kiện cần thiết để thi hành chính sách, pháp luật về văn hóa, giáo dục[1]…

Thứ ba, Nhà nước bảo vệ chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục trong giai đoạn hội nhập quốc tế 

Hoạt động này bao gồm hai nội dung chính, đó là kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục và công tác xử lý các vi phạm chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục. Đối với từng công tác đều có những yêu cầu và nhiệm vụ riêng: – Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục và bảo vệ chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục là những hình thức hoạt động đặc trưng của Nhà nước. Hoạt động này được tiến hành nhằm đảm bảo cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về văn hóa, giáo dục được đúng với tinh thần và mục tiêu do Nhà nước đề ra. Mục đích của hoạt động này là nhằm phát hiện nhanh chóng các sai lầm, thiếu sót để kịp thời khắc phục, xử lý[2]. – Công tác xử lý các vi phạm chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục cũng đang được tiến hành khẩn trương, liên tục. Trên thực tế, đã phát hiện nhiều vi phạm như hành vi ăn cắp bản quyền tác giả trong nhiều lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật… Về cơ bản, chúng ta đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và áp dụng những chế tài xử lý thích đáng nhằm xử lý những hành vi này. Mặc dù vậy, trên thực tế, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn có xu hướng gia tăng.

Thứ tư, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục trong giai đoạn hội nhập quốc tế 

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng thì văn hóa, giáo dục là hai lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp. Chúng thường xuyên biến đổi về nội dung và hình thức trước sự tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ từ bên ngoài. Ngoài ra, do nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội thì việc điều chỉnh chính sách pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục lại càng cấp bách hơn trước. Trước tình hình đó, Nhà nước luôn có sự thay đổi nội dung, hình thức và phương pháp quản lý nhà nước đối với văn hóa, giáo dục. Đối với công tác tổ chức, quản lý, xây dựng và ban hành các chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục thì Nhà nước luôn là chủ thể chủ yếu. Vì thế, Nhà nước phải có trách nhiệm thường xuyên hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục để điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh liên quan đến văn hóa, giáo dục.

1.2. Về hình thức không mang tính pháp lý 

Bên cạnh việc áp dụng chính thức các hình thức pháp lý thì Nhà nước cũng luôn tiến hành song song các hình thức không mang tính pháp lý khác. Các hình thức không mang tính pháp lý này bao gồm tổ chức hội thảo khoa học về văn hóa, giáo dục; hội nghị thi đua ngành văn hóa, giáo dục; hội nghị triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về văn hóa, giáo dục; hay hội nghị tổng kết hoạt động các phong trào văn hóa, giáo dục… Nhìn chung, các hình thức này rất cần thiết để có thể nhanh chóng đưa các chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục vào đời sống và cũng có thể thông qua những buổi hội thảo hay phong trào này, từ đó, rút ra những sáng kiến kinh nghiệm quý giá, để có thể hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục.

2. Các phương pháp chung thực hiện chức năng quản lý văn hóa, giáo dục của Nhà nước Việt Nam giai đoạn hội nhập quốc tế 

Các chức năng của Nhà nước được thực hiện thông qua các phương pháp hoạt động nhất định của bộ máy nhà nước[3]. Phương pháp thực hiện chức năng của Nhà nước là những biện pháp, cách thức mà Nhà nước tiến hành các hoạt động quản lý các lĩnh vực quan hệ xã hội. Phương pháp thực hiện chức năng do yêu cầu, mục tiêu chức năng của Nhà nước quyết định. Nói cách khác, tùy theo yêu cầu, mục tiêu, nội dung chức năng của Nhà nước mà có những cách thức thực hiện phù hợp. Trong lĩnh vực quản lý văn hóa, giáo dục, Nhà nước thường sử dụng phương pháp giáo dục – thuyết phục và phương pháp cưỡng chế. Hai phương pháp này luôn được Nhà nước sử dụng và kết hợp chặt chẽ với nhau.

2.1. Phương pháp giáo dục – thuyết phục 

Trong thời đại thông tin, truyền thông phát triển rộng rãi và bao quát khắp nơi như hiện nay thì vấn đề giáo dục – thuyết phục ý thức, tư tưởng cho người dân là một vấn đề rất quan trọng đối với Nhà nước. Nhờ những phương tiện, thiết bị khoa học hiện đại trên, Nhà nước có thể dễ dàng giáo dục, quản lý xã hội để thông qua đó, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả tính giáo dục và tính thuyết phục được người dân. Phương pháp giáo dục – thuyết phục luôn được xem là phương pháp chủ đạo của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục là các lĩnh vực rất nhạy cảm. So với các lĩnh vực khác của xã hội thì hoạt động văn hóa, giáo dục luôn có những điểm đặc thù riêng, vì nó liên quan trực tiếp đến đời sống văn hóa, tinh thần, nhân cách cao đẹp hay lối sống của từng con người. Tuy nhiên, trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay thì vấn đề này càng trở nên khó quản lý và điều chỉnh. Vì thế, phương pháp giáo dục – thuyết phục trong việc thực hiện chức năng quản lý văn hóa, giáo dục của Nhà nước cũng phải tính đến đặc điểm đó, để đạt được hiệu quả và mục đích đề ra. Ngoài ra, phương pháp giáo dục – thuyết phục cần phải được triển khai ở tất cả các hoạt động quản lý văn hóa, giáo dục, từ khâu hình thành cơ chế, chính sách, ban hành luật pháp đến tổ chức triển khai thi hành và kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Song song với việc giáo dục ý thức chính trị, chính sách, pháp luật thì công việc giáo dục đạo đức cũng cần phải được coi là giáo dục có tính nền tảng vô cùng quan trọng và phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Bởi, đạo đức là gốc, là nền tảng của từng con người nên việc giáo dục đạo đức ngay từ khi còn nhỏ sẽ khiến con người có ý thức nhận biết và tự giác hành xử theo các yêu cầu, chuẩn mực của pháp luật. Không giáo dục tốt về mặt đạo đức thì việc sử dụng các phương pháp để quản lý văn hóa, giáo dục cũng sẽ rất khó khăn khi triển khai.  

2.2. Phương pháp cưỡng chế 

Trong nhà nước dân chủ thì phương pháp cưỡng chế vốn không được xem là phương pháp đặc trưng. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của hội nhập quốc tế nên xã hội Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng du nhập văn hóa lai căng, hay từ những sản phẩm độc hại cho tâm hồn và nhân cách con người hoặc những biểu hiện lạc hậu, bất cập, xa rời thực tế của hệ thống giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực quản lý văn hóa, giáo dục còn tồn tại khá nhiều chủ thể thường xuyên tìm cách vượt rào, trốn tránh sự quản lý của Nhà nước với âm mưu, thủ đoạn và cách thức tinh vi hơn trước. Bởi vậy, để có thể quản lý lĩnh vực văn hóa, giáo dục thì tùy từng trường hợp, Nhà nước sẽ phải sử dụng cả phương pháp cưỡng chế. Mặc dù vậy, Nhà nước và cả xã hội cùng cố gắng sử dụng sức mạnh của mình nhằm duy trì các hoạt động quản lý văn hóa, giáo dục sao cho các hoạt động này không vượt ra khỏi hành lang của cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì đó cũng có thể được quan niệm là sự cưỡng chế. Nói cách khác, cưỡng chế không nhất thiết phải là trừng trị, loại bỏ đối tượng. Đây thật sự là một cuộc “đấu tranh” đầy thử thách nhằm thiết lập, duy trì trật tự trên các lĩnh vực xã hội nói chung và hoạt động quản lý văn hóa, giáo dục nói riêng. Duy trì trật tự xã hội để cân bằng các xu hướng hoạt động và nhiều loại lợi ích khác nhau, đảm bảo lợi ích chung (lợi ích mà các cá nhân, nhóm xã hội chấp nhận) đó cũng chính là cưỡng chế của Nhà nước4. Một trong những đặc trưng của phương pháp cưỡng chế nhà nước đối với lĩnh vực quản lý văn hóa, giáo dục là thường xuyên quy định những hành vi nhất định bị cấm đoán. Đây là biểu hiện đặc trưng của việc sử dụng phương pháp cưỡng chế nhà nước trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tại Việt Nam hiện nay. Do sự tác động của hội nhập quốc tế và biến đổi của xã hội, phương pháp cưỡng chế cũng có sự thay đổi. Phương pháp cưỡng chế có thể áp dụng rộng rãi các hình thức chế tài “đánh” vào lợi ích vật chất của người vi phạm. Điều này thích hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường khi mà lợi ích kinh tế luôn được các chủ thể tham gia chú trọng. Đây cũng là sự mềm dẻo hơn trong việc quản lý văn hóa, giáo dục. Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực văn hóa, giáo dục thì bên cạnh việc sử dụng chủ yếu phương pháp thuyết phục – giáo dục và phương pháp cưỡng chế, Nhà nước còn sử dụng thêm các phương pháp khác như: Phương pháp tổ chức trực tiếp, tham gia, can thiệp vào những hoạt động cụ thể nào đó để đảm bảo mục tiêu chung của Nhà nước. Nhà nước cũng có thể hỗ trợ trực tiếp, kích thích hay kiềm chế bằng các công cụ tài chính, tiền tệ để đảm bảo cho hoạt động nào đó được diễn ra bình thường nhằm đảm bảo ổn định nền kinh tế, xã hội[5]…

3. Một vài kiến nghị 

Một trong những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài về phát triển văn hóa, giáo dục chính là: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước”[6]. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trên thì hình thức và phương pháp thực hiện chức năng quản lý văn hóa, giáo dục trong giai đoạn hội nhập quốc tế cần thiết phải được hoàn thiện theo hướng:

Thứ nhất, về hình thức thực hiện chức năng quản lý văn hóa, giáo dục trong giai đoạn hội nhập quốc tế 

Thực tế cho thấy, hình thức thực hiện chức năng quản lý văn hóa, giáo dục của Nhà nước còn khá nhiều bất cập. Trước hết, hệ thống pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục của Việt Nam hiện nay, được hình thành và kế thừa từ các giai đoạn phát triển trước đây. Bởi vậy, phần lớn văn bản quy phạm pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục của Việt Nam hiện nay đã trở nên lỗi thời, lạc hậu và không phù hợp với sự phát triển của môi trường văn hóa, giáo dục trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục còn khá chậm chạp và chưa phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn xã hội. Chính vì vậy, để hình thức thực hiện chức năng quản lý văn hóa, giáo dục có thể hoạt động hiệu quả hơn thì Nhà nước nên nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm xây dựng pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục từ các quốc gia có nền văn hóa, giáo dục và khoa học pháp lý tiên tiến, hiện đại. Trong đó, nên chú trọng nghiên cứu, tìm hiểu các quốc gia có điều kiện khá tương đồng với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Sin-ga-po. Mặt khác, cần phải chú trọng việc nghiên cứu truyền thống, bản sắc văn hóa lâu đời tại Việt Nam, để từ đó có phương hướng tiếp tục bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa quan trọng này. Trong suốt quá trình xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục cần có sự tham gia góp ý của các chuyên gia văn hóa, giáo dục và chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước. Đối với dự thảo các văn bản pháp luật có quy mô lớn về quản lý văn hóa, giáo dục thì trước và trong suốt quá trình xây dựng, Nhà nước nên tổ chức trưng cầu dân ý để lấy ý kiến góp ý từ tất cả tầng lớp nhân dân. Có như vậy, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa, giáo dục của Việt Nam mới thực sự đổi mới và phù hợp với các điều kiện và hoàn cảnh của giai đoạn hội nhập quốc tế.

Thứ hai, về phương pháp thực hiện chức năng quản lý văn hóa, giáo dục trong giai đoạn hội nhập quốc tế

Để có thể đạt hiệu quả tốt trong việc thực hiện chức năng quản lý văn hóa, giáo dục thì đòi hỏi Nhà nước phải kết hợp sử dụng hợp lý, khoa học giữa phương pháp giáo dục – thuyết phục và phương pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, theo tác giả, sẽ là hiệu quả tốt hơn khi Nhà nước chú trọng khai thác sử dụng nhiều hơn phương pháp cưỡng chế. Theo đó, phương pháp cưỡng chế nên xây dựng theo hướng tăng cường mạnh mẽ chế tài xử lý các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Chúng ta có thể kết hợp các chế tài xử phạt kinh tế với chế tài hình sự để trừng trị nghiêm khắc những chủ thể cố tình vi phạm. Sở dĩ như vậy là vì không thể chỉ dựa vào việc động viên, thuyết phục hay sử dụng lợi ích để tác động đến các chủ thể cố tình chống đối, cản trở hoặc bất hợp tác với cơ quan nhà nước. Trên thực tế, tình trạng “nhờn” luật đang diễn ra khá phổ biến. Chính vì thế, cần phải nghiêm khắc trừng phạt các chủ thể vi phạm, để qua đó còn làm gương cho các chủ thể khác. Về lâu dài, khi ý thức tuân thủ pháp luật của người dân tốt hơn thì mới có thể giảm dần phương pháp này. Hiện nay, dưới tác động của hội nhập văn hóa, giáo dục và khi đời sống ngày càng được cải thiện thì các vấn đề văn hóa, giáo dục càng được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm. Bởi, đây đều là các nhu cầu cấp thiết của xã hội hiện đại. Vì thế, chức năng quản lý văn hóa, giáo dục của Nhà nước cũng cần có sự đổi mới về tư duy quản lý để kịp thời điều tiết nền văn hóa, giáo dục phát triển tiên tiến, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

 

 

TS. Nguyễn Vinh Hưng

Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 

Tài liệu tham khảo:

[1]. Nguyễn Vinh Hưng (2011), Chức năng văn hóa – giáo dục của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 28.

[2]. Nguyễn Vinh Hưng (2011), Chức năng văn hóa – giáo dục của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, sđd, tr. 29.

[3]. Nguyễn Văn Động (2010), Giáo trình lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, Nxb. Tư pháp, tr. 44.

[4]. Nguyễn Văn Động (chủ biên), Chức năng văn hóa – giáo dục của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Đề tài khoa học cấp trường Đại học Luật Hà Nội năm 2008, tr. 88.

[5]. Nguyễn Vinh Hưng (2011), Chức năng văn hóa – giáo dục của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, sđd, tr. 32 – 33.

[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Hà Nội, tr. 21 – 22.

 

 

Xổ số miền Bắc